UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành văn bản số 1985/UBND-KT2 về việc tăng cường giải pháp kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, đánh giá tổng thể hiện trạng các nguồn nước thải có xả thải trực tiếp và gián tiếp vào hệ thống Bắc Hưng Hải. Từ đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư, triển khai các dự án đầu tư cho việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Triển khai có hiệu quả Đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn nhằm giảm thiểu, cải thiện chất lượng môi trường nước hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt các đô thị, khu dân cư nông thôn, ưu tiên các khu dân cư dọc, sát hệ thống sông Bắc Hưng Hải.
Hệ thống kênh Bắc Hưng Hải tiếp nhận nhiều nguồn nước thải xả trực tiếp. Ảnh: Trọng Tài. |
Tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án phát sinh nhiều chất thải, nhất là nước thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh. Thực hiện quan trắc giám sát chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải và các dòng sông, kênh theo quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh, các trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước mặt.
Tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở có phát sinh lưu lượng nước thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt các cơ sở xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh. Rà soát, yêu cầu các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 100m³/ngày đêm trở lên lắp đặt, vận hành hiệu quả các thiết bị quan trắc tự động liên tục nước thải để kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường nước mặt.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên lên kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng tái chế chì xã Chỉ Đạo và tái chế nhựa thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm.
Tình trạng ô nhiễm hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải kéo dài trong nhiều năm qua. Ảnh: Trọng Tài. |
UBND tỉnh cũng giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, trinh sát để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải.
UBND tỉnh cũng giao UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường liên quan đến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đề ra các kế hoạch, biện pháp cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn quản lý.
UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra thực hiện việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép, kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng sông thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, yêu cầu hoàn trả hiện trạng lòng sông.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có chiều dài hơn 232km, chảy qua địa bàn thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, từng là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc.
Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, hệ thống thuỷ lợi này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả quan trắc năm 2023 cho thấy, khoảng 90% các vị trí quan trắc có một hoặc nhiều thông số ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn Việt Nam.
Việc cải thiện ô nhiễm chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải được trung ương và các địa phương rất quan tâm trong những năm qua. Mới đây Quy hoạch bảo vệ môi trường Quốc gia tới năm 2030, tầm nhìn 2050 công bố 9 dự án trọng điểm phục hồi môi trường, trong đó có Đề án thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, sông Ngũ Huyện Khê.