Huế sẽ tách thành 2 quận khi cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Sở Nội vụ tỉnh TT-Huế, có 2 phương án thành lập các đơn vị hành chính khi cả tỉnh TT-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chiều 29/12, UBND tỉnh TT-Huế tổ chức hội thảo quy hoạch tỉnh TT-Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và mô hình đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế sẽ tách thành 2 quận khi cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương? ảnh 1
Thành phố Huế hiện nay sẽ tách thành 2 quận Bắc và Nam sông Hương khi cả tỉnh TT-Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải

Theo Sở Nội vụ tỉnh TT-Huế, có 2 phương án thành lập các đơn vị hành chính khi cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, phương án 1 gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Cụ thể, sau khi điều chỉnh từ 36 xã, phường xuống còn 32 xã, phường, TP Huế sẽ tách thành quận phía Bắc với 13 phường, rộng 127,005 km2; quận phía Nam gồm 19 phường, rộng 139,408 km2. Ngoài ra, còn có quận Hương Thủy, thị xã Phong Điền, Hương Trà và 4 huyện.

Phương án 2 là từ phương án 1, giữ nguyên hiện trạng thị xã Hương Thủy để chỉ có 2 quận tách ra từ thành phố Huế hiện nay, 3 thị xã và 4 huyện. Về tên gọi thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Nội vụ tỉnh TT-Huế đề xuất 2 phương án, trong đó phương án thứ nhất lấy tên là thành phố Huế, phương án 2 là thành phố TT-Huế.

Về tên gọi 2 quận sau khi thành phố Huế tách ra làm hai đơn vị hành chính, cơ quan chức năng hiện lấy ý kiến dư luận, người dân. Theo đó, quận phía Nam sông Hương có nhiều tên gọi được đưa ra để lấy ý kiến gồm: Thừa Thiên, Thuận Hóa, Ngự Bình. Tên gọi quận phía Bắc sông Hương được đưa ra để lấy ý kiến gồm: Phú Xuân, Thuận Hóa, Hương Giang. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp nhận các phương án đặt tên khác sau khi thành phố Huế tách làm 2 quận.

Huế sẽ tách thành 2 quận khi cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương? ảnh 2

Một phần thành phố Huế phía bờ Bắc sông Hương nhìn từ trên cao về đêm. Ảnh MXH

Còn theo Sở Xây dựng tỉnh TT-Huế, về chức năng đô thị, quận phía Nam là quận trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... của thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là nơi còn nhiều quỹ đất để xây dựng, phát triển đô thị và tập trung nhiều trụ sở các cơ quan hành chính quan trọng của thành phố.

Đối với quận phía Bắc là nơi tập trung các di tích, di sản, nhà vườn... nên định hướng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái, nhà vườn.

Đối với quận Hương Thủy, nơi đây được quy hoạch với vai trò đảm nhận chức năng dịch vụ phức hợp của trung tâm chức năng công nghiệp, cửa ngõ phía Nam của đô thị trung tâm Huế.

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, Nghị quyết 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TT-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đến năm 2025, TT-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

“Trên cơ sở quy định của Nghị quyết 1211 và Nghị quyết 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, tỉnh đã xây dựng một số mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương. TT-Huế mong muốn lựa chọn mô hình đô thị trực thuộc Trung ương phù hợp, giữ được nét đặc sắc của một đô thị có đặc thù về di sản mà vẫn đảm bảo những tiêu chí, tiêu chuẩn của một thành phố trực thuộc Trung ương theo các quy định của pháp luật”, ông Phương cho biết.

MỚI - NÓNG