Theo thông tin được công bố trên tạp chí Analytical Chemistry (Mỹ), trong lăng mộ Ptahmes (Ai Cập), thị trưởng thành đô Memphis và thống lĩnh quân đội Ai Cập vào thế kỷ 13 TCN, đã tìm thấy một hũ phô mai khổng lồ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một vi khuẩn nguy hiểm gây chết người là Brucella melitensis có trong hũ phô mai này.
Các dấu tích giống với phô mai đã từng được phát hiện ở Ba Lan, Trung Quốc và Ai Cập. Ông Greco, một nhà khoa học trong nhóm khảo cổ lăng mộ Ptahmes, cho rằng những mẫu vật đó là các sản phẩm lên men tự nhiên, giống sữa chua hơn phô mai.
Cuộc khai quật lăng mộ Ptahmes được chia thành nhiều đợt, lần đầu tiên vào năm 1885 và trong giai đoạn 2013-2014, các nhà khoa học đã tìm thấy một chiếc lọ gốm bọc vải, bên trong chứa một khối màu trắng đặc, nghi ngờ là phô mai.
Hũ đựng phô mai được tìm thấy trong ngôi mộ có niên đại 3.300 tuổi. Ảnh: Catania University.
Lọ gốm chứa phô mai được đặt trong hầm mộ kín, vùi sâu bên dưới lớp cát dày của sa mạc Sahara. Tuy nhiên, khu mộ thường xuyên bị nước sông Nile tràn vào mỗi khi ngập lụt. Theo thời gian hàng nghìn năm, kết cấu chất béo của phô mai bị phá hủy do nước sông, gây khó khăn cho các nhà khoa học trong việc phân tích mẫu vật. Việc nghiên cứu đã bị gián đoạn từ năm 2014 đến nay.
Không bỏ cuộc nghiên cứu, mới đây, các nhà khoa học đến từ Đại học Catania (Italy) đã tiến hành phân tích proteomic, một kỹ thuật tiên tiến để phân tích những mẫu vật mất kết cấu. "Với kỹ thuật này, chúng tôi có thể xác định những chuỗi peptide (cấu thành của protein) cực ngắn cho đến dài", nhóm nghiên cứu cho biết.
Theo kết luận của các nhà nghiên cứu, trong chiếc bình được tìm thấy tại lăng mộ Ptahmes là một loại phô mai được làm từ sữa bò, dê, cừu, và đặc biệt là cả sữa trâu châu Phi, một loài vật từng được nuôi để lấy sữa thời cổ đại.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy các protein của vi khuẩn Brucella melitensis trong hũ phô mai, tiếc cho những tín đồ phô mai, món ăn cổ đại này không thể dùng được nữa.
Nếu nhiễm khuẩn Brucella melitensis, bạn có thể mắc bệnh sốt Malta, hay còn gọi là sốt Địa Trung Hải. Các triệu chứng bao gồm sốt, đổ mồ hôi, đau đầu, đau lưng, suy nhược cơ thể. Những dấu hiệu phát bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào sau 60 ngày, kể từ lúc tiếp xúc với vi khuẩn Brucella melitensis.