Hong Kong chia rẽ về cách tháo ngòi khủng hoảng

Người biểu tình Hong Kong giơ biểu ngữ phản đối dự luật dẫn độ. (Ảnh: SCMP)
Người biểu tình Hong Kong giơ biểu ngữ phản đối dự luật dẫn độ. (Ảnh: SCMP)
TPO - Chính quyền Hong Kong đang nỗ lực tìm cách tháo ngòi cuộc khủng hoảng quanh dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Có một số ý kiến cho rằng chỉ nên tạm dừng, thay vì hủy bỏ hoàn toàn, văn bản này. 

Nhiều cố vấn uy tín cho lãnh đạo thành phố kêu gọi cần có thêm thời gian để tiếp tục thảo luận về dự luật, nhưng đã có nhiều chia rẽ trong Hội đồng lập pháp Hong Kong khi một số người cho rằng chính quyền đặc khu cần tiếp tục đẩy nhanh thông qua luật này. 

Theo báo Hong Kong SCMP, nghị sĩ Bernard Chan nói rằng sẽ không thể vội vàng thông qua dự luật này, trong khi TS Lam Ching-choi và Fanny Law Fan Chiu-fun ủng hộ lùi lại. 

Nghị sĩ Ronny Tong Ka-wah nói rằng ông sẽ không phải đối chuyện hoãn lại dự luật và kêu gọi cả hai bên bắt đầu đối thoại để tìm giải pháp. Còn đồng nghiệp của ông là nghị sĩ Regina Ip Lau Suk-yee cho rằng chính quyền nên tiếp tục thúc đẩy dự luật. 

Họ là những người đã lên tiếng khuyên can Trưởng đặc khu Carrie Lam, chỉ 2 ngày sau khi bà khăng khăng rằng sẽ không có thay đổi  nào đối với dự luật. 

“Tôi nghĩ sẽ không thể thảo luận (về dự luật) trong tình hình đối đầu như vậy. Mọi thứ sẽ rất khó khăn. Ít nhất chúng ta cũng không nên làm tăng đối kháng”, ông Chan nói. 

Ông khuyên chính quyền đặc khu nên đánh giá lại tình hình sau khi xảy ra đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và những người biểu tình trẻ trong cuộc xuống đường làm tê liệt trung tâm thành phố mấy ngày qua. 

Ông Chan cũng thừa nhận đã đánh giá thấp phản ứng của cộng đồng kinh doanh đối với dự luật đề xuất. 

“Điều diễn ra hôm 12/6 rất đáng buồn và không phải điều chúng tôi muốn thấy. Chúng tôi thực sự cần đánh giá lại nên làm như thế nào”, ông Chan nói trong một chương trình phát thanh. 

Cuộc biểu tình hôm 12/6 đã kết thúc với màn xung đột giữa người biểu tình với cảnh sát, khiến hơn 80 người bị thương vì cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông. 11 người bị cảnh sát bắt. 

“Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra cách hạ hỏa dư luận để tránh có thêm xung đột trong tương lai”, ông Chan nói. 

Khi được hỏi chính quyền có nên ấn nút tạm dừng dự luật hay không, ông nói rằng điều đó phụ thuộc vào cơ hội dự luật được thông qua. Nhưng ông cũng không muốn chứng kiến hội đồng lập pháp bị tê liệt chỉ vì một dự luật. 

Trước cuộc biểu tình ngày 12/6, bà Carri Lam khẳng định chính quyền sẽ tiếp tục thúc đẩy dự luật. 

Nhưng ông Lam Ching-choi, chủ tịch Hội đồng người cao tuổi, gạt bỏ ý kiến cho rằng dự luật này là một nhiệm vụ phải hoàn thành. 

“Chính quyền nên cân nhắc mọi lựa chọn. Chính quyền không nên cố chấp, và nên cảm nhận không khí xã hội”, ông nói. 

Ông cho rằng chính quyền không nên phớt lờ ý kiến của người dân chỉ vì dự luật đã được thúc đẩy đến giai đoạn 2. 

Trong khi đó, 22 cựu quan chức và nghị sĩ Hong Kong vừa gửi đơn kiến nghị khẩn cấp để kêu gọi bà Carrie Lam rút lại dự luật. 

Trong một tuyên bố bằng văn bản, họ cũng thúc giục các cố vấn của bà Carrie Lam khuyên can bà hãy làm như vậy, hoặc từ chức nếu đề xuất của họ bị phớt lờ. 

Trong khi đó, một bài viết đăng hôm nay của tờ Nhân dân Nhật báo từ Bắc Kinh đã đưa ra các ý kiến bảo vệ dự luật và chỉ trích “những kẻ du côn” đứng sau cuộc biểu tình ngày 12/6 nhằm gây nguy hiểm cho tương lai của thành phố. 

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG