1. Ai được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm?
-
icon
Hồ Xuân Hương
-
icon
Bà Huyện Thanh Quan
-
icon
Đoàn Thị Điểm
Câu trả lời đúng là đáp án A: Nhà thơ Hồ Xuân Hương sinh vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nhưng sinh trưởng ở đất Bắc. Năm sinh và năm mất cũng như tiểu sử về bà không được các tài liệu ghi chép rõ ràng. Bà chỉ thực sự được hậu thế biết đến qua sách Giai nhân dị mặc của học giả Nguyễn Hữu Tiến, xuất bản năm 1916. Theo sách này, bà Hồ Xuân Hương là con của ông Hồ Phi Diễn và vợ lẽ họ Hà. Nhà bà "trông xuống hồ Tây", sau lại ra ở thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương (bây giờ là phố Nhà Thờ). Khi trưởng thành, bà làm một ngôi nhà nhỏ ở hồ Tây, lấy tên Cổ Nguyệt Đường, là nơi tiếp các bậc tao nhân mặc khách, cùng họ xướng họa, bình thơ. Hồ Xuân Hương vốn thông minh, sắc sảo, ứng biến nhanh lại rất mực tài hoa, song cuộc đời gặp nhiều éo le. Bao nhiêu nỗi niềm bà gửi hết vào thơ. Nói như Xuân Diệu thì "thơ Hồ Xuân Hương là đời của Xuân Hương, là người của Xuân Hương trong đó. Thơ Xuân Hương là hồn, là xác, là mắt nhìn, tay sờ, chân đi, là nụ cười, nước mắt của Xuân Hương, là cá tính số phận của Xuân Hương". Hồ Xuân Hương được nhiều người mệnh danh là bà chúa thơ Nôm không chỉ bởi số lượng tác phẩm mà còn vì nghệ thuật điêu luyện với ý tưởng sâu sắc. Các tác phẩm thơ Nôm của bà hiện còn nhiều bài ở mảng thơ Nôm truyền tụng. Bài thơ nổi tiếng nhất của Hồ Xuân Hương được đưa vào chương trình Văn học THCS là Bánh trôi nước: Thân em vừa trắng lại vừa tròn Bảy nổi ba chìm với nước non Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
2. Là "bà chúa thơ Nôm" nhưng Hồ Xuân Hương có sáng tác thơ chữ Hán, điều này đúng hay sai?
-
icon
Đúng
-
icon
Sai
Câu trả lời đúng là đáp án A: Không chỉ sáng tác thơ Nôm, Hồ Xuân Hương còn viết rất nhiều thơ chữ Hán. Cuốn Hồ Xuân Hương: Con người - Tư tưởng - Tác phẩm cho biết các học giả đương thời và học giả Trung Quốc công nhận một Hồ Xuân Hương của thơ chữ Hán và xếp Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nữ (chữ Hán) hàng đầu Việt Nam. Thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương chủ yếu là tả cảnh, xướng họa đôi bên, bày tỏ nỗi niềm riêng. Loại thơ này ít động chạm đến người khác. Vì vậy, Hồ Xuân Hương được học giả đương thời đánh giá rất cao về tài thơ chữ Hán. Hồ Xuân Hương không có điều kiện cho ấn hành các tác phẩm của mình, nhưng ngày nay mọi người vẫn được đọc tác phẩm chữ Hán của bà trong tập thơ tình Lưu hương ký, 11 bài thơ chữ Hán trong 31 bài thơ chép kèm bài Tựa tập Lưu hương ký; thơ chữ Hán Đề vịnh Hạ Long; thơ chữ Hán trong Hương Đình Cổ Nguyệt thi tập, trong Đồ Sơn bát vịnh... với bút pháp vững chãi và điêu luyện.
3. Hồng Hà nữ sĩ là biệt hiệu của ai?
-
icon
Hồ Xuân Hương
-
icon
Đoàn Thị Điểm
-
icon
Bà Huyện Thanh Quan
Câu trả lời đúng là đáp án B: Bà Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Theo Đoàn thị thực lục, bà nguyên họ Lê, tổ phụ là Lê Công Nẫm, võ quan triều Lê. Đến đời cha bà là Đoàn Doãn Nghi mới đổi thành họ Đoàn. Việc đổi họ này được cho là do ông Doãn Nghi muốn làm quan văn mà nhà họ Lê toàn quan võ. Đoàn Thị Điểm là con thứ của ông Đoàn Doãn Nghi. Theo sách Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, bà Điểm "dung sắc kiều lệ, cử chỉ đoan trang, lời nói văn hoa, sự làm lễ độ". Bà theo cha và anh trai trau dồi nghiên bút nên sớm nổi danh tài sắc hơn người. Năm 1720, khi 16 tuổi, bà Đoàn Thị Điểm được Thượng thư Lê Anh Tuấn đưa về làm con nuôi. Thấy bà thông minh, ông định tiến vào cung phủ của chúa Trịnh, nhưng bà không chịu, liền trở về cùng anh theo cha tới trường dạy học ở làng Lạc Viên, huyện Yên Dương, tỉnh Kiến An (nay thuộc TP Hải Phòng). Năm bà 25 tuổi, cha mất, bà cùng gia đình dời đến làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Anh mất năm 1735, Đoàn Thị Điểm phải vừa làm nghề bốc thuốc do anh trai truyền dạy, vừa dạy học để có tiền nuôi mẹ, giúp đỡ chị dâu nuôi các cháu. Mặc dù từng từ chối khi được tiến vào cung phủ của chúa Trịnh, bà Đoàn Thị Điểm cũng có thời gian vào cung làm giáo thụ, dạy học cho cung phi. Sau đó, nhân trong nước có loạn, bà xin từ chức rồi về ngụ ở xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín) và tiếp tục bốc thuốc. Bà Đoàn Thị Điểm tài sắc vẹn toàn nên có rất nhiều người đến cầu hôn, trong đó có cả người quyền quý, như hai người từng đỗ tiến sĩ là Nhữ Đình Toản và Nguyễn Công Thái. Tuy nhiên, bà đều từ chối. Ở tuổi 37, bà quyết định lấy Nguyễn Kiều, tiến sĩ nổi tiếng hay chữ đã góa vợ. Lý do khiến bà nhận lời phần vì thương xót hoàn cảnh Nguyễn Kiều, phần vì mẹ bà nhận lời và nhiều học trò tán thành cuộc hôn nhân này. Lấy Nguyễn Kiều, bà Đoàn Thị Điểm đã có những ngày hạnh phúc, vợ chồng tâm đầu ý hợp, thường xuyên xướng họa với nhau. Tuy nhiên, cưới chưa tròn tháng, Nguyễn Kiều phải đi sứ Trung Quốc ba năm. Phải chịu cảnh ly biệt, bà Đoàn Thị Điểm buồn rầu thương nhớ chồng nơi đất khách. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định thời gian xa chồng, bà đã dịch tập thơ chữ Hán Chinh phụ ngâm của danh sĩ Đặng Trần Côn sang chữ quốc âm.
4. "Truyền kỳ tân phả" là tác phẩm nổi tiếng của Đoàn Thị Điểm, được viết bằng chữ gì?
-
icon
Chữ Nôm
-
icon
Chữ Hán
Câu trả lời đúng là đáp án B: Truyền kỳ tân phả (Cuốn sách ghi chép những chuyện lạ) là tác phẩm bằng chữ Hán bao gồm nhiều truyện. Theo Đoàn thị thực lục, Truyền kỳ tân phả có năm truyện là Hải khẩu linh từ (Đền thiêng ở cửa bể); Vân Cát thần nữ (Truyện nữ thần ở Vân Cát); An Ấp liệt nữ (Truyện người liệt nữ ở làng An Ấp); Yến anh đối thoại (Cuộc đối thoại giữa yến và anh); Mai huyễn. Còn theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Truyền kỳ tân phả gồm sáu truyện là Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ, Bích câu kỳ ngộ, Hoàng Sơn tiên cục, Mai huyễn và Nghĩa khuyển khuất miêu. Ngoài Chinh phụ ngâm bản chữ quốc âm và Truyền kỳ tân phả, Đoàn Thị Điểm còn sáng tác nhiều bài thơ. Theo Đoàn thị thực lục, khi chưa lấy chồng, bà cùng cha và anh xướng họa. Trong khi nhàn nhạ ngâm lên thơ hay, câu đẹp, kể đến hàng chục hàng trăm; di cảo ấy chỉ có nhà quan Thượng thư làng Tiêu Điền Nguyễn Nghiễm là sưu tập đầy đủ hơn cả. Sau khi về nhà chồng, bà xướng họa với chồng và cùng chồng xếp đặt thơ văn thành tập. Đó là chưa kể không ít bài văn luyện thi bà đã soạn trong thời gian làm nhà giáo. Phần thơ văn nói trên đến nay chưa tìm thấy. Sau khi Nguyễn Kiều về nước, năm 1748, ông được cử đi làm Tham thị ở trấn Nghệ An. Đoàn Thị Điểm phải theo chồng. Trên đường đi, bà bị cảm nặng, đã chạy chữa nhưng không qua khỏi, mất ở Nghệ An, hưởng dương 43 tuổi.
5. Bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh được in trong tập thơ nào?
-
icon
Hoa dọc chiến hào
-
icon
Sân ga chiều em đi
-
icon
Lời ru trên mặt đất
Câu trả lời đúng là đáp án A: Sóng được in trong tập Hoa dọc chiến hào của nhà thơ Xuân Quỳnh, nói về tâm trạng, tình yêu mãnh liệt của người con gái khi yêu. Bài thơ được sử dụng trong các chương trình Văn học bậc THPT hơn 20 năm nay. Âm hưởng của bài thơ, thể thơ năm chữ có tác dụng tạo ra những nhịp điệu của sóng. Xuân Quỳnh đã mượn nhịp sóng để thể hiện nhịp lòng của chính mình. Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ Theo GS Trần Đăng Xuyền trong sách Giảng văn Văn học Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998), trong số nhà thơ Việt Nam hiện đại, Xuân Quỳnh là một trong số những người xứng đáng được gọi là nhà thơ của tình yêu. Bà viết nhiều, viết hay về tình yêu, trong đó Sóng là bài thơ đặc sắc và tiêu biểu. Đến với Xuân Quỳnh, thơ Việt Nam hiện đại mới có được một tiếng nói bày tỏ trực tiếp những khát khao tình yêu vừa hồn nhiên, chân thật, vừa mãnh liệt, sôi nổi của một trái tim phụ nữ. Tình yêu là đề tài muôn thuở trong thi ca. Nhiều nhà thơ nổi tiếng đã viết về tình yêu bằng cảm hứng mãnh liệt, in đậm dấu ấn tâm hồn, tư tưởng và phong cách nghệ thuật. Xuân Diệu trước đó đã mượn hình tượng biển để nói về tình yêu, còn Xuân Quỳnh thì mượn hình tượng sóng để diễn tả những cảm xúc, những tâm trạng, sắc thái tình cảm vừa phong phú, vừa phức tạp, vừa tha thiết sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực, khao khát yêu đương. GS Xuyền bình giảng, những câu thơ mở đầy là trạng thái tâm lý đặc biệt của tâm hồn đang khao khát yêu đương, đang tìm đến một tình yêu rộng lớn hơn. Xuân Quỳnh đã diễn tả thật cụ thể trạng thái khác thường, vừa phong phú, vừa phức tạp trong trái tim khao khát tình yêu. Nỗi khát vọng tình yêu xôn xao, rạo rực trong trái tim con người, trong quan niệm của Xuân Quỳnh là khát vọng muôn đời của nhân loại mà mãnh liệt nhất là của tuổi trẻ. Nó như sóng, mãi mãi trường tồn, vĩnh hằng với thời gian.
6. Nhà thơ Xuân Quỳnh quê ở đâu?
-
icon
Hà Nội
-
icon
Nghệ An
-
icon
Nam Định
Câu trả lời đúng là đáp án A: Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh năm 1942 tại thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Bà xuất thân trong gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa nên được bà nội nuôi dạy từ nhỏ. Tháng 2/1955, Xuân Quỳnh vào Đoàn văn công Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài. Năm 20 tuổi, Xuân Quỳnh bắt đầu học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Học xong, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam. Xuân Quỳnh là hội viên rồi ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 3, công tác tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Xuân Quỳnh kết hôn lần thứ hai với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ năm 1973. Họ mất trong trong một tai nạn giao thông ở Hải Dương cuối tháng 8/1988. Nhà thơ Xuân Quỳnh được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017. Trong suốt sự nghiệp, Xuân Quỳnh xuất bản nhiều tập thơ như Chồi biếc (1963); Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung, 1968); Gió Lào, cát trắng (1974); Lời ru trên mặt đất (1978); Sân ga chiều em đi (1984); Tự hát (1984) và một số tập thơ khác được in sau khi bà qua đời. Theo sách Từ điển tác giả, tác phẩm Văn học Việt Nam dùng cho nhà trường (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2009), Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ trẻ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ kháng chiến chống Mỹ, đồng thời là một trong những gương mặt đáng chú ý nhất trong thơ ca Việt Nam hiện đại.
7. Xuân Quỳnh trở thành nữ văn sĩ đầu tiên của Việt Nam được Google vinh danh?
-
icon
Đúng
-
icon
Sai
Ngày 6/10/ 2019, nhân dịp kỉ niệm 77 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Quỳnh, Google đã chính thức thay đổi ảnh đại diện logo trên trang chủ của mình thành bức hoạ cách điệu mang dáng hình nhà thơ Xuân Quỳnh cùng với hình ảnh con thuyền lướt trên sóng và đàn chim trên bầu trời. Hình ảnh này nằm trong bộ sưu tập các Doodle của Google được lập ra nhằm tôn vinh những nhân vật, sự kiện nổi tiếng và đáng nhớ có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Như vậy, sau cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cố họa sĩ Bùi Xuân Phái vừa được Google vinh danh trên trang chủ, Xuân Quỳnh là danh nhân Việt Nam thứ 3 và là người phụ nữ Việt đầu tiên được Google vinh danh. Tại Sài Gòn, có một con đường nội khu của một khu đô thị mang tên Xuân Quỳnh.
Kết quả
Bạn hãy chăm chỉ hơn nhé!
điểm