Hồn Trương Ba được làm mới thế nào?

Hồn Trương Ba được làm mới thế nào?
TP - NSND Lan Hương gấp rút chạy vở Hồn Trương Ba da hàng thịt dưới dạng thể nghiệm, bởi Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ cận kề.

> Dựng “Hồn Trương Ba”, không quá mong đột phá
> Nghệ sĩ nhớ Trọng Khôi

Di sản kịch Lưu Quang Vũ để lại không ít. Vậy mà trong LH kịch Lưu Quang Vũ đầu tháng 9 tới có hai phiên bản Hồn Trương Ba da hàng thịt: Một theo lối truyền thống của đạo diễn Tú Mai (Nhà hát Kịch VN), còn lại là kịch hình thể của NSND Lan Hương, Nhà hát Tuổi trẻ.

“Vở nào của anh Vũ cũng có đất dàn dựng. Nhưng dàn dựng theo lối mới thì có Hồn Trương Ba da hàng thịt thôi. Hồi tôi với chú Khôi sang Philippines năm 2007 dự LH sân khấu thể nghiệm, tôi bảo: “Cháu thích dựng Hồn Trương Ba da hàng thịt thành dạng khác. Những cái mà anh Vũ chỉ dừng ở lời thoại, cháu lại làm ra hành động”. Chú Trọng Khôi thích lắm. Năm nay có cơ hội, tôi xin dựng bằng được”, Lan Hương nói.

Nói đến lợi thế dựng vở ở dạng hình thể, đạo diễn cho rằng chính sự đấu tranh giữa phần hồn-xác đầy tính triết lí, dễ thể hiện hơn cả. “Tôi cố gắng để người ta thấy mình không bị nhàm chán, chứ dựng lại ở dạng kịch nói thì khó lắm”, chị nói.

Vào vai hàng thịt là diễn viên Tạ Vũ Thu, to con. Anh là biên đạo của Nhà hát Tuồng, được mời sang để đưa thêm các trình thức tuồng vào diễn xuất. Vai Trương Ba do Hoàng Tùng đảm nhiệm. Lan Hương nói mình trung thành với kịch bản gốc, chỉ có một điểm khác biệt lớn nhất về ý tưởng: Phân định rõ ràng thiên đình là thiên đình, mặt đất là mặt đất, không có ý định mượn chuyện mặt đất nói chuyện thiên đình. Những tội lỗi của mặt đất thì mặt đất phải gánh.

Câu chuyện về gia đình Trương Ba, hàng thịt cũng được giữ nguyên, nhưng cô đọng lời thoại thành tuyên ngôn là chính, không có lời sinh hoạt. Kết cấu cũng khác với kịch nói: Không chia cảnh mà tập hợp thành từng nhóm: giới thiệu nhà Trương Ba, hàng thịt; thiên đình; đấu tranh giữa hồn và xác; ông Lý và gia đình Trương Ba.

Hồn Trương Ba da hàng thịt là vở đầu tiên của đoàn kịch thể nghiệm từ năm 2012. Thể loại mới này kén khán giả, ngay cả giới nghệ sĩ cũng còn nhiều tranh cãi. “Kịch hình thể vốn chẳng ai bắt buộc phải có lời, nhưng tôi kiên quyết giữ. Vở dài hơn 1 tiếng mà câm lặng cũng gây bức bối cho người xem. Khi có thêm lời, khán giả hiểu hơn. Tôi cũng cố gắng phù hợp, đến gần khán giả hơn. Vả lại câu chuyện Trương đồ nhục khán giả cũng không xa lạ gì”, đạo diễn chia sẻ.

Sau vụ sáp nhập bất thành hai nhà hát, đoàn kịch thể nghiệm của Lan Hương rơi vào khoảng lặng. Gần chục diễn viên bị thải loại hồi đầu năm, phần nhiều do thiếu năng lực. Với hơn 20 diễn viên còn lại, lựa chọn cho các vai diễn chưa thực sự thỏa mãn. “Hi vọng Hồn Trương Ba da hàng thịt sẽ kích cầu, để đoàn có thể làm lại Tâm linh Việt, Nguyễn Du với Kiều để có thể sắp lịch diễn tại rạp, lưu diễn và có động lực tuyển thêm diễn viên”, Lan Hương nói.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu công bố 13 vở diễn dự liên hoan: Hồn Trương Ba da hàng thịt (Nhà hát kịch VN), Mùa hạ cuối cùng, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9 (Nhà hát Tuổi trẻ), Ông không phải bố tôi, Hai ngàn ngày oan trái (Nhà hát kịch Hà Nội); Trái tim trong trắng (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); Nàng Sita (Nhà hát Chèo HN); Điều không thể mất (Nhà hát kịch Quân đội & Đoàn ca kịch Huế); Hai ngàn ngày oan trái (Đoàn Cải lương Hải Phòng); Ai là thủ phạm (Đoàn kịch nói Nam Định); Ông vua hóa hổ (Đoàn Chèo Hải Phòng).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG