Hôn mê, ngừng tim và cuộc trở về ngoạn mục từ cõi chết sau 3 ngày điều trị

Bệnh nhân N.V.D đã hồi phục gần như hoàn toàn sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh nhân N.V.D đã hồi phục gần như hoàn toàn sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
TPO - sau khi chơi cầu lông, trong lúc đang ngồi uống nước, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, được bạn bè đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, thời gian đưa tới bệnh viện mất khoảng 12 phút. Đến viện, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn.

Bệnh nhân N.V.D, giới nam, 42 tuổi, địa chỉ ở Hà Nội, được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (Hà Nội) chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai lúc 21 giờ ngày 3 tháng 7 năm 2017 với chẩn đoán “Hôn mê sau ngừng tuần hoàn ngoại viện”.

Khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, sau khi chơi cầu lông, trong lúc đang ngồi uống nước, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, được bạn bè đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, thời gian đưa tới bệnh viện mất khoảng 12 phút. Theo người nhà kể, trước đó vài tuần, bệnh nhân có những cơn tức ngực, khó thở ngắn rồi tự hết, nhưng chưa đi khám.

Tại thời điểm vào tới Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, các bác sĩ trực nhận thấy bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, trên máy theo dõi (monitor) có hình ảnh điện tâm đồ là rung thất sóng nhỏ.

Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng có oxy qua mask, tiêm adrenalin tĩnh mạch, tiến hành sốc điện 3 lần) và khoảng 10 phút sau thì tim đập lại, điện tim trên monitor về nhịp xoang với tần số 100 lần/phút.

Hôn mê, ngừng tim và cuộc trở về ngoạn mục từ cõi chết sau 3 ngày điều trị ảnh 1

Bệnh nhân N.V.D khi đang được cấp cứu và áp dụng kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh nhân được tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì truyền tĩnh mạch adrenalin. Khi tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, các bác sĩ trực đã liên hệ với Khoa Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai để chuyển bệnh nhân sang tiến hành hồi sức tích cực và kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu.

Theo BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, thời điểm vào Khoa Cấp cứu A9, bệnh nhân ở trong tình hôn mê sâu (GCS: 6 điểm), được thở máy qua ống nội khí quản, mạch 80 lần/phút, huyết áp 120/80 mmHg (đang được truyền adrenalin tĩnh mạch), kích thước đồng tử hai mắt đều nhau (3 mm) và còn phản xạ với ánh sáng.

Bệnh nhân nhanh chóng được xử trí cấp cứu, đánh giá tình trạng lâm sàng, làm xét nghiệm (đặc biệt thấy troponin tăng, nhưng bệnh nhân đã được ép tim và sốc điện trước đó rồi), điện tâm đồ (không thấy các dấu hiệu của hội chứng vành cấp hoặc nhồi máu cơ tim cấp) và chụp phim cắt lớp vi tính sọ não (kết quả cho thấy hình ảnh phù não lan tỏa, không thấy tổn thương thiếu máu hoặc chảy máu não) để tìm nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn trước khi được tiến hành kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu.

Hiện nay, kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu với nhiệt độ đích cần đạt từ 32 tới 36 độ C ở bệnh nhân hôn mê có tổn thương não do thiếu oxy sau ngừng tuần hoàn đã được khuyến cáo khá mạnh trong các hướng dẫn điều trị bệnh nhân ngừng tuần hoàn trên toàn thế giới.

Một điều rất trùng hợp rằng cũng trong ngày 3 tháng 7 năm 2017, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai cùng với Phân Hội Cấp cứu Việt Nam (VSEM) tổ chức Hội nghị Quốc tế về “Hạ thân nhiệt và cấp cứu ngừng tuần hoàn phối hợp ECMO: Tầm nhìn mới cho cho hệ thống cấp cứu Việt Nam” tại Bệnh viện Bạch Mai với sự góp mặt của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế thuộc chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức và Cấp cứu tim mạch.

Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Đạt Anh (Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Phân Hội Cấp cứu Việt Nam) cho biết, trong những năm qua, mạng lưới cấp cứu đã được xây dựng và đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhiều kỹ thuật tiên tiến hàng đầu được chuyển giao, áp dụng… đã giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn trong thực tiễn lâm sàng.

Hội nghị lần này cũng là dịp để các cán bộ y tế trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập tăng cường hiểu biết về các kỹ thuật mới, có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu trong cấp cứu ngừng tuần hoàn phối hợp với ECMO từ các chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ Pháp, Singapore…

Ngay buổi tối ngày hôm đó, cán bộ y tế tại các cơ sở y tế công lập (Bệnh viện Bạch Mai) và ngoài công lập (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) đã hưởng ứng tinh thần của hội nghị bằng việc truyền tải những thông điệp trong hội nghị thành những hành động thiết thực để cứu chữa người bệnh, đặc biệt là người bệnh hôn mê sau ngừng tuần hoàn.

Thời gian vàng để tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt theo mục tiêu là trong vòng 6 giờ sau ngừng tuần hoàn. Do vậy, mặc dù vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân ngay lập tức thông qua các đánh giá, xét nghiệm và các thăm dò chức năng ban đầu, bệnh nhân đã được hồi sức tích cực và tiến hành kỹ thuật ngay trong đêm với mục tiêu nhiệt độ là 33 độ C.

Tuy nhiên, sau khi khai thác thêm được tiền sử bệnh nhân có những cơn đau tức ngực và khó thở trước đó vài tuần, ngay buổi sáng sớm hôm sau, các bác sĩ của Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) đã mời các bác sĩ chuyên khoa tim mạch (Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai) tới hội chẩn, tiến hành siêu âm tim cấp cứu tại giường thì phát hiện có giảm vận động 2/3 vách liên thất trước, 2/3 thành trước về phía mỏm và vùng mỏm của tim (tương ứng vùng tưới máu của động mạch liên thất trước). Như vậy, nguyên nhân khiến bệnh nhân ngừng tuần hoàn đã được xác định.

Điều khó khăn nhất đối với các bác sĩ cấp cứu và tim mạch lúc này là làm thế nào để bệnh nhân vừa được chụp và tiến hành đặt stent mạch vành nếu có tắc nghẽn trong khi vẫn được kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu. Một giải pháp tối ưu nhất cuối cùng cũng được đưa ra là điều trị ngay bằng thuốc chống đông và thuốc chống ngưng tập tiểu cầu để chờ cho tới khi bệnh nhân được kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu (33 độ C) cho đủ 24 giờ và bắt đầu làm ấm trở lại lên tới 37 độ C rồi mới tiến hành chụp và đặt stent mạch vành.

Đúng như kế hoạch đã đề ra, đến khoảng 22 giờ ngày 5 tháng 7 năm 2017, một ê-kíp cấp cứu hộ tống bệnh nhân và máy móc tới phòng can thiệp mạch vành tại Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) để tiến hành chụp và đặt stent mạch vành. Kết quả chụp động mạch vành thấy tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước (LAD), hẹp 90 – 99% động mạch vành phải (RCA). Bệnh nhân được tiến hành đặt hai stent vào hai động mạch vành bị tắc (LAD) và bị hẹp (RCA). Kết quả can thiệp tốt.

Đến ngày 6/7, ngày thứ 3 sau ngừng tuần hoàn, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, được thôi thở máy và rút ống nội khí quản. Chiều nay, ngay khi được nói chuyện với vợ con, mình nghe thấy câu đầu tiên mà bệnh nhân hỏi người vợ là “Anh đang nằm ở đâu?”, người vợ vỡ òa, nước mắt giàn giụa vì sung sướng và nói rằng “Anh đang ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai”, chị chỉ vào nhân viên của khoa cấp cứu xung quanh và nói tiếp rằng “Đây, kia và kia nữa… là những người đã cứu sống anh, kéo anh trở về từ tay thần chết”.

MỚI - NÓNG