Hơn chục nghìn tỷ đào tạo tiến sĩ: Có tiền sao không hút người học

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý đề án 'chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9000 tiến sĩ để đổi mới giáo dục'.
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý đề án 'chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9000 tiến sĩ để đổi mới giáo dục'.
TPO - Dự thảo chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9000 tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ sư phạm đang làm nóng dư luận. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có đề án 911 với mục tiêu khá tương tự, tuy nhiên sau 7 năm thực hiện, kết quả thực hiện cơ bản cho thấy đề án 911 không tuyển sinh đủ chỉ tiêu đã đề ra.

Theo báo cáo đánh giá triển khai thực hiện Đề án 911, các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ theo Đề án 911, giảng viên các trường đại học, cao đẳng tích cực chuẩn bị các điều kiện, kế hoạch để tham gia Đề án. Chỉ tiêu tuyển sinh 911 hàng năm nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ của cơ sở đào tạo, cứ thí sinh là giảng viên các trường đại học, cao đẳng thì được chuyển toàn bộ sang đào tạo theo Đề án 911.

Đủ thứ khó

Thời gian đầu có nhiều giảng viên đăng kí tham gia Đề án. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, số lượng giảng viên đăng ký Đề án giảm, tuyển sinh khó khăn, dẫn đến số lượng tuyển sinh so với chỉ tiêu thấp. Tính đến năm 2016, số lượng giảng viên đăng ký đào tạo ở trong nước trúng tuyển và nhập học là 2.050 nghiên cứu sinh/5.831 chỉ tiêu nghiên cứu sinh (NCS) được giao đạt 35,16 %.

Yêu cầu đầu ra cao hơn chuẩn của chương trình đào tạo đại trà và có các cam kết ràng buộc về thời gian làm việc sau tốt nghiệp trong khi kinh phí hỗ trợ không đảm bảo để đạt được yêu cầu đầu ra của Đề án; cơ sở đào tạo tiến sĩ theo Đề án 911 còn ít chưa đáp ứng đủ các chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu của giảng viên; áp lực về khối lượng giảng dạy lớn từ phía các trường đại học, cao đẳng trong thời gian học tập nghiên cứu.

Hầu hết các cơ sở đào tạo đã nỗ lực thực hiện nghiêm túc trong tổ chức và quản lý đào tạo theo đúng các quy định của Thông tư số 35/2012/BGDĐT ngày 12/10/2012 Quy định đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án 911 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều cơ sở đào tạo đã ưu tiên tối đa các điều kiện đảm bảo chất lượng cho đào tạo, quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện đề tài luận án của NCS. Một số cơ sở đào tạo tích cực tìm kiếm đối tác nước ngoài để phối hợp hướng dẫn nghiên cứu sinh, đăng bài báo quốc tế, cử NCS đi thực tập sinh, nâng cao chất lượng luận án.

Sau một thời gian triển khai thực hiện đào tạo trong nước, Đề án đã có 233 NCS tốt nghiệp, 226 NCS về giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và đã có 387 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế, chủ nhiệm và tham gia 125 đề tài nghiên cứu các cấp. Tuy nhiên việc thực hiện đề tài luận án và sản phẩm đầu ra của NCS khó đạt được chỉ tiêu theo quy định.

Bên cạnh kết quả đạt được, Đề án có 149 NCS bỏ học giữa chừng, trong đó 45 NCS (chỉ tiêu năm 2012), 62 NCS (chỉ tiêu năm 2013), 31 NCS (chỉ tiêu năm 2014), 9 NCS (chỉ tiêu năm 2015) và 2 NCS (chỉ tiêu năm 2016).

Đề án 911 có đưa ra 3 phương thức đào tạo: đào tạo trong nước, đào tạo tại nước ngoài và đào tạo theo phương thức phối hợp. Trong 3 phương thức này thì phương thức đào tạo phối hợp gặp nhiều khó khăn. Chỉ tiêu tuyển sinh 911 hàng năm đào tạo phối hợp nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ của cơ sở đào tạo.

Thực tế, số lượng cơ sở đào tạo đăng kí tham gia phương thức đào tạo này còn hạn chế (15 cơ sở đào tạo) và chỉ có 9 cơ sở đào tạo đủ điều kiện theo quy định để được giao nhiệm vụ. Các cơ sở đào tạo này đã tích cực và phối hợp với đối tác nước ngoài xây dựng các quy định, thoả thuận liên kết đào tạo.

Tuy nhiên, việc tuyển sinh triển khai còn chậm. Năm 2013, các cơ sở đào tạo mới bắt đầu tuyển sinh, tính đến tháng 12/2015 mới tuyển được 30 NCS (đã trừ 22 NCS rút ra khỏi Đề án) đạt 3,3% so với kế hoạch trung bình các năm. Đến năm 2016, số lượng NCS rút xuống còn 27 NCS và hiện tại, số NCS bỏ học đã tăng 23 NCS, trong đó 7 NCS (chỉ tiêu năm 2013), 16 NCS (chỉ tiêu năm 2014).

Do đó số NCS hiện đang theo học chỉ còn 4 NCS. Duy nhất có 01 NCS đã hoàn thành thời gian đào tạo trong nước, đang làm luận án tại trường Đại học Grenoble, Pháp và đã công bố 01 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế, 02 bài trên kỷ yếu hội thảo quốc tế. Ngoài ra, có một số NCS (thuộc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) đã hoàn thành chương trình học tập tại Việt Nam và đang làm thủ tục đi học tại nước ngoài.

Với phương thức đào tạo tại nước ngoài, Theo kế hoạch, Đề án 911 dự kiến đào tạo khoảng 10.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ toàn thời gian ở nước ngoài. Hằng năm dự kiến tuyển từ 1000-1300 chỉ tiêu. Đề án chính thức tuyển sinh kể từ năm 2013 và dừng tuyển sinh kể từ năm 2018. Riêng đối với năm 2012, các ứng viên trúng tuyển được chuyển từ Đề án 322/356 sang Đề án 911 (trong đó có 20 NCS diện đào tạo phối hợp). Từ năm 2012 đến năm 2016, Đề án 911 đã tuyển được 2.926 ứng viên và không đạt được chỉ tiêu theo quy định (đạt 29,26% so với tổng chỉ tiêu).

9000 tiến sĩ: nhiều hay ít

Là đơn vị tích cực tham gia đề án 911 nhưng PGS Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng phải thừa nhận trường cũng không tuyển đủ chỉ tiêu. PGS. Trần Văn Tớp cho biết, trường được giao 600 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ tuyển được 300 chỉ tiêu, đạt 50% yêu cầu đề ra.

Còn PGS. Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết con số 9000 tiến sĩ cần đào tạo thêm vẫn nhỏ so với yêu cầu của các trường ĐH hiện nay.

“Xét về tỷ lệ tiến sĩ trong các trường ĐH của Việt Nam, con số này không lớn. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là một trong những trường đang cố gắng  thu hút người tài về, vẫn chưa đủ. Hiện trường mới chỉ có 25% giảng viên là trình độ tiến sĩ” – PGS. Đỗ Văn Dũng cho biết. Cũng theo PGS. Đỗ Văn Dũng, con số 9000 tiến sĩ chưa đủ cho các trường ĐH nâng tỷ lệ lên 40% như các nước khác.

Không những thế, PGS. Đỗ Văn Dũng cho rằng không nên đào tạo tiến sĩ trong nước. “Vì nói gì thì nói, cơ sở vật chất, trình  độ đào tạo trong nước không thể bằng nước ngoài. Việt Nam nên học cách làm của Trung quốc. Họ đã từng đưa rất nhiều người đi ra nước ngoài học tiến sĩ nhưng họ cũng không có ràng buộc yêu cầu những người đó phải trở về. Ai trở về thì họ trọng dụng, còn nếu làm việc tại nước ngoài thì những người đó cũng sẽ là những cây cầu nối Trung Quốc với các nền khoa học tiên tiến trên thế giới” – PGS. Đỗ Văn Dũng cho hay.

Cũng theo PGS. Đỗ Văn Dũng, sở dĩ Đề án 911 gặp khó khăn trong tuyển sinh đó là kinh phí đưa nghiên cứu sinh ra nước ngoài thấp. Trong khi đó, những người có năng lực, cơ bản họ có thể xin được học bổng cao hơn. Thứ hai là ràng buộc quay về nước làm việc nhưng thu nhập lại rất thấp. “Lương tiến sĩ ở các trường ĐH mới về cao lắm chỉ 5 triệu đồng. Nếu họ ở lại làm sau tiến sĩ tại các nước khác thì lương của họ cũng phải từ 4000 USD đến 5000 USD” – PGS. Dũng nói.

Từ phân tích đưa ra, PGS. Đỗ Văn Dũng cho rằng con số 12.000 tỷ để đào tạo 9000 tiến sĩ  ở các nước tiên tiến không thấm vào đâu. “Nếu đào tạo tiến sĩ ở các nước tiên tiến, mỗi năm một tiến sĩ hết 40.000 – 50.000 USD. 4 năm là 200.000 USD/ tiến sĩ. Tương đương 4 tỷ. vậy 12.000 tỷ chỉ đào tạo được 3000 tiến sĩ. Để đào tạo được 9000 tiến sĩ, số tiền phải gấp 3 lần con số 12.000 tỷ đồng” – PGS. Dũng khẳng định.

MỚI - NÓNG