Hơn cả nghĩa thầy trò

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Dạy học ở đây nếu người thầy chỉ làm tròn chức trách truyền bá kiến thức thì sẽ không có học trò để dạy, mà phải xem học trò như chính con cháu của mình, hết mực yêu thương mới mong níu chân các trò đến lớp” - thầy giáo Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) bắt đầu câu chuyện.

Thầy giáo kiêm thợ sửa xe đạp

Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Lâm Hoá có 5 điểm trường, đa số học sinh là con em tộc người Mã Liềng, một trong ba tộc người tại Quảng Bình từng một thời đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Thương các em đến lớp trên những đoạn đường xa ngái, các giáo viên của nhà trường kêu gọi các nhà hảo tâm tặng các em xe đạp. “Mình ở TP Đồng Hới lên đây công tác từ năm 2016, thấy các em đi bộ tới trường vất vả, mình đứng ra kêu gọi và động viên thầy cô giáo trong trường cùng kêu gọi các nhà hảo tâm tặng xe đạp cho các em. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm chúng em kêu gọi được khoảng 50 chiếc xe đạp để tặng học trò của mình” - thầy giáo Tâm chia sẻ.

Hơn cả nghĩa thầy trò ảnh 1
Những thầy cô giáo ở Lâm Hóa trong một lần đi gom xe đạp của học trò về sửa chữa

Thầy giáo dạy thể dục Hoàng Ngọc Lâm hóm hỉnh kể: “Có được chiếc xe đạp để đến trường, học trò ở đây rất háo hức, nhưng ngặt nỗi đường rừng gập ghềnh nên xe nhanh hỏng. Khi hỏng rồi thì các em và cha mẹ không biết cách sửa chữa, trong lúc tiệm sửa xe đạp ở đây cũng không có, nên hỏng ở đâu là các em vứt xe ở đó. Thành thói quen, lúc nào thấy trò đi bộ đến lớp là biết xe hỏng và đang bị vứt ở một góc rừng nào đó. Vậy là thầy cô giáo chủ nhiệm lại lên đường đi tìm xe về giao cho em sửa chữa. Có chiếc chỉ cần siết ốc, vít là đi lại được, nhưng có chiếc hư hỏng nặng, vậy là thầy cô phải góp tiền mua phụ tùng để thay thế. Em giờ mà về xuôi mở tiệm sửa xe đạp chắc rất hút khách, vì không có hỏng hóc nào em không làm được”.

Thầy giáo Tâm cho biết: Thông thường khi thấy trò đến lớp không có xe đạp là giáo viên chủ nhiệm lại đi tìm, nhưng nhiều khi tìm không hết, nên mỗi năm nhà trường tổ chức 5 đợt tổng động viện đi tìm xe đạp cho học trò. “Mỗi đợt như vậy bọn em gom được hàng chục chiếc, chúng hỏng hóc đủ loại, chiếc mất pê đan, chiếc hỏng phanh, chiếc mất lốp, chiếc hỏng xích… sau đó dùng xe bò chở về trường sửa chữa. Kinh phí sửa mỗi chiếc chừng 50.000 đồng đến 150.000 đồng đều lấy từ quỹ tiết kiệm của Chi bộ nhà trường, hoặc các thầy cô phát tâm đóng góp thêm” - thầy giáo Tâm nói.

Hơn cả nghĩa thầy trò ảnh 2
Các em trong bữa tiệc cuối năm, hầu hết các em lần đầu được ăn món bún thịt heo

Vào tận miền Nam tìm học sinh

Thầy giáo Lê Viết Minh kể, ở đây việc học trò bỏ học thường xuyên như cơm bữa. Chỉ cần một biến cố nhỏ trong gia đình hay thời tiết xấu là học trò lại mất hút. Những lúc như vậy, các thầy cô lại phải luồn rừng đi tìm học trò của mình. “Học trò ở đây mà bỏ học là kiểu gì cũng theo cha mẹ vào rừng kiếm ăn hoặc lang thang đâu đó trong rừng. Những lúc như thế thầy cô phải đi bộ có khi cả ngày, vượt cả chục con dốc dựng đứng, lội hết con suối này qua con suối khác mới tìm thấy học trò. Hỏi sao các em không đi học? Học trò nói “bận”; hỏi bận gì? Các em hồn nhiên trả lời “bận lười không lên học”. Thế là giáo viên phải động viên, dỗ dành mãi các em mới trở lại lớp” - thầy giáo Minh kể.

Theo thầy giáo Nguyễn Hữu Tâm, chuyến tìm trò xa nhất của những thầy cô giáo ở đây là vào tận các tỉnh miền Nam. Đó là vào năm 2019, nhà trường có 15 học sinh lớp 9 người Mã Liềng bỏ học, vào miền Nam làm thuê. “Bố mẹ các em lo lắng, nhờ nhà trường đi tìm về. Chúng em lên xã xin giấy giới thiệu, đi theo manh mối thông tin nhỏ giọt. Các em, đứa thì làm ở TPHCM, đứa làm ở vùng sâu vùng xa trông coi rẫy ở tận Bình Phước. Các thầy đi đến đâu đều nhờ công an sở tại, báo cáo đầy đủ để nhờ sự hỗ trợ. Nhiều chủ cho các em về, nhưng cũng có chủ không tin, phải nhờ can thiệp từ trên, các em mới được về bản” - thầy giáo Tâm cho hay.

Cả 15 em trở về quê đều đã học xong lớp 9, được cấp bằng tốt nghiệp. Hiện có em trở lại miền Nam làm việc, có em tiếp tục học nghề để vươn lên trong cuộc sống. Bà Phạm Thị Lệ, trưởng bản Chuối cho biết: “Trong số học trò trở về, ở bản Chuối có hai cháu học lên Cao đẳng nghề Quảng Bình ngành may mặc, vừa rồi đã vào làm nhà máy tại miền Nam. Còn cháu Cao Thị Hiền được tuyển vào đội vận động viên chèo thuyền và đang học tại Đà Nẵng, cháu rất giỏi thể thao. Tình nghĩa các thầy lớn lắm, hơn cả nghĩa người thầy. Nhiều cháu bỏ học giữa chừng, được các thầy cô đi tìm về, có cái bằng tốt nghiệp cấp 2, học thêm nghề giờ có việc làm ổn định”.

Mỗi năm học, nhà trường đều tổ chức một bữa tiệc vào cuối năm, thường là mổ một con lợn, gói bánh chưng, nấu bún cho gần 300 học sinh nhà trường. “Các em cả đời chưa một lần ăn bún, nhiều học trò ăn một lúc 2 bát to và khen ngon. Những lúc như thế, chúng em đều vơi đi bao vất vả khó khăn thực tại, động viên nhau mỗi ngày vì học trò để ngày mai, tương lai các em tươi sáng hơn. Kinh phí đều vận động từ giáo viên hoặc các mối quan hệ của nhà trường, bởi phụ huynh ở đây đang rất nghèo” - thầy giáo Tâm tâm sự.

Già làng Cao Dụng, một người uy tín trong tộc người Mã Liềng cứ tấm tắc mãi khi nói về những thầy cô giáo ở đây: “Chỉ có tình yêu thương vô bờ bến với học sinh thầy cô mới vượt qua những khó khăn như vậy khi về dạy học ở đây. Không chỉ băng rừng tìm trò, thầy cô còn băng rừng tìm xe đạp về sửa chữa để các em có phương tiện đến trường. Dân bản cảm ơn các thầy cô nhiều lắm nhưng chưa có gì đền đáp”.

Ông Trương Quang Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa chia sẻ: “Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hoá có 40 thầy cô giáo. Khi về dạy học ở Lâm Hoá mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng tất cả thầy cô giáo đều rất trách nhiệm và hết mực yêu thương học trò. Các thầy cô đã phải làm nhiều việc không có trong giáo án, không có trong chuyên môn để gieo chữ cho trò. Chỉ có sự thấu hiểu, đức hy sinh vì học trò ở vùng cao hẻo lánh thì các thầy cô giáo mới làm được như thế. Ngày lễ 20/11 hằng năm, phụ huynh, học sinh hái những bó hoa rừng mang tặng thầy cô, ai nhìn thấy cũng xúc động rơi nước mắt”.

MỚI - NÓNG