Hơn 70 cây xăng tại Bình Dương tạm dừng hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
Do chưa đáp ứng đủ các điều kiện về bán lẻ xăng dầu như phòng cháy chữa cháy, khoảng cách an toàn... nên 74 cửa hàng xăng dầu tại Bình Dương đang phải tạm ngừng hoạt động.
Hơn 70 cây xăng tại Bình Dương tạm dừng hoạt động ảnh 1

Một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng đóng cửa. Ảnh: Báo Bình Dương.

Thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương cho biết ông Võ​ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, vừa chủ trì phiên họp bàn các giải pháp xử lý khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương - cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 74 cửa hàng xăng dầu đang tạm dừng hoạt động do không đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

"Chủ yếu do cửa hàng chưa đáp ứng điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và không đáp ứng khoảng cách an toàn theo quy định. Bên cạnh đó, có một số cửa hàng xăng dầu chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, dịch vụ theo quy định", ông Toàn cho biết.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương, việc nhiều cửa hàng xăng dầu dừng hoạt động phần nào gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp nhiên liệu phục vụ nhu cầu đi lại.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở này đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh có giải pháp hướng dẫn doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu PCCC đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi doanh nghiệp nộp hồ sơ.

"Sở cũng đã tổng hợp danh sách các cửa hàng xăng dầu chưa chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo các tài liệu về đầu tư, xây dựng... gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với từng trường hợp cụ thể", ông Toàn thông tin.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu hai sở ngành liên quan rà soát cấp giấy chứng nhận chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, dịch vụ đảm bảo đúng quy định. Sở Công Thương phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ các hộ kinh doanh hoàn thiện những điều kiện về PCCC.

Liên quan đến vấn đề thực hiện quy định PCCC, mới đây 7 hiệp hội vừa có văn bản gửi kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan bộ ngành phản ánh những khó khăn khi các văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn PCCC liên tục được ban hành, sửa đổi thời gian gần đây.

Trong quá trình thi hành, áp dụng thực tiễn đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, làm gia tăng gấp nhiều lần thời gian, chi phí và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, có rất nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hàng nghìn nhà xưởng xây mới hoặc cải tạo nhưng không thể đưa vào hoạt động.

Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ một số vấn đề như cần nhanh chóng công bố và cấp phép cho nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn PCCC để doanh nghiệp có cơ sở lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Đồng thời, Chính phủ nên nhanh chóng xã hội hóa công tác kiểm định, thẩm duyệt, nghiệm thu công tác PCCC để đẩy nhanh việc xét duyệt hồ sơ, đưa công trình vào sản xuất - kinh doanh, tạo sản phẩm cho xã hội.

Theo Zingnews
MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.