Hơn 6 tỷ đồng cứu trợ lũ lụt người dân Chương Mỹ

Chị Nguyễn Thị Vui (thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai), Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, bị chết khoảng 400 con gà trong đợt lụt vừa qua. Ảnh: Trường Phong
Chị Nguyễn Thị Vui (thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai), Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, bị chết khoảng 400 con gà trong đợt lụt vừa qua. Ảnh: Trường Phong
TPO - Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, đến thời điểm hiện tại, huyện nhận được hơn 6 tỷ đồng tiền cứu trợ vùng ngập lụt. Số tiền này sẽ được chia chính xác, công bằng đến với bà con nhân dân.

Chiều 7/8, Hà Nội tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về đợt ngập lụt lịch sử tại một số huyện ngoại thành như Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức.

Theo ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, đến nay, nước đã rút, hiện còn khoảng dưới 1.000 hộ bị ngập. Huyện đã chỉ đạo chính quyền các cấp phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về công tác an ninh trật tự; dọn dẹp vệ sinh môi trường, không để bà con chịu cảnh đói khát.

Về nguyên nhân gây ra ngập lụt, ông Hùng tái khẳng định do mưa lớn cộng với lũ rừng ngang từ Hòa Bình tràn về. Với tính chất quan trọng, bằng mọi giá, huyện phải bảo vệ được đê tả Bùi.

“Khi nước dâng trên báo động 3, cho phép tràn đê hữu Bùi thì các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, một phần xã Tốt Động, Hoàng Văn Thụ, Mỹ Lương và Hữu Văn phải chấp nhận sống chung với lũ”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, đây là phương án từ xưa đến nay vẫn xử lý như vậy. Ông Hùng đánh giá cao tinh thần chủ động, tự giác của người dân. Chỉ cần nghe tiếng kẻng, tiếng chuông thông báo nước lên, hàng trăm người không quản đêm tối tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng tôn đê.

“Nước dâng 10cm thì đê cao thêm 60 cm. Tinh thần, trách nhiệm của người dân rất cao. Chỉ một tiếng chuông, tiếng kẻng thông báo là người dân ra hộ đê”, ông Hùng nói.

Ông Hùng nói, về chiến lược lâu dài phải di dân toàn bộ vùng hữu Bùi để đảm bảo cho người dân vùng này có cuộc sống ổn định. Những khu vực này sẽ trở thành vùng sản xuất.

Còn biện pháp ngắn hạn trong thời gian tới, huyện kiến nghị T.Ư và thành phố cải tạo, nâng cấp cả đê tả Bùi và hữu Bùi theo thiết kế cho phép, để khi mực nước lên cao, nếu phải cho tràn thì nhân dân cũng an tâm hơn.

Đi cùng với đó, hệ thống các công trình phúc lợi, công trình giao thông, cung cấp nước sạch phải đảm bảo. Việc tổ chức sản xuất cũng phải quy hoạch lại để bà con có thể sống chung với lũ, bớt phần khó khăn, bấp bênh. “Việc di dân còn liên quan đến tâm tư, nguyện vọng, văn hóa và cả chỗ ở, chỗ sản xuất”, ông Hùng nói.

 “Tính đến hôm nay là ngập 22 ngày. Hàng cứu trợ chúng tôi chuyển đến từng hộ gia đình, đảm bảo không có trường hợp nào đói, khát”, ông Hùng nói. Lãnh đạo huyện cũng cho biết, hiện đã tiếp nhận khoảng hơn 6 tỷ đồng tiền hỗ trợ.

“Chính quyền địa phương sẽ thống kê chính xác, phân loại những hộ ngập sâu, những hộ ngập ít, những gia đình chính sách, những trường hợp không có khả năng lao động... để chi tiền. Ban Thường vụ huyện ủy sẽ duyệt từng trường hợp. Kinh nghiệm 2017 chúng tôi tiếp nhận hỗ trợ và phân phát không bị khiếu kiện trường hợp nào. Chúng tôi đảm bảo chính xác, kịp thời, không ai phải kêu ca, phàn nàn gì. Bà con vừa trong cảnh lũ lụt như vậy, phải để bà con cảm thấy an tâm và ấm lòng”, ông Hùng hứa trước các cơ quan báo chí.

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...