Chương trình với mục đích huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các đối tượng nghèo, khó khăn, gia đình chính sách xã hội; ưu tiên các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo thành phong trào thường xuyên tại cộng đồng, với mục tiêu hàng năm tổ chức khám, chữa bệnh nhân đạo và cấp thuốc miễn phí cho ít nhất một triệu lượt người trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tặng bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc của Chương trình. Ảnh: Kiến Nghĩa
Với chủ đề “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng”, sau 4 năm triển khai, Chương trình đã tổ chức 13.449 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 6.041.923 lượt người, trị giá tiền thuốc hơn 525 tỷ đồng, đồng thời đã tổ chức 11.362 đợt tư vấn sức khỏe cho gần 3 triệu người, tặng hơn 3,1 triệu suất quà cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, trị giá hơn 448 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị tham gia Chương trình còn tổ chức 7.578 lớp tập huấn nâng cao kỷ năng cơ bản về sơ cấp cứu cho 341.302 người với tổng trị giá trên 39,7 tỷ đồng; tổ chức 201,907 đợt tổng vệ sinh môi trường với 953.259 người tham gia, trị giá trên 39 tỷ đồng; hỗ trợ bữa ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo trong bệnh viện, hỗ trợ mổ tim, tặng nhà tình thương, tặng bò… cho hơn 7,7 triệu đối tượng là người nghèo, khó khăn với trị giá trên 225 tỷ đồng. Tổng trị giá Chương trình đạt trên 1.318 tỷ đồng.
Chương trình đã huy động đông đảo lực lượng tham gia, nòng cốt là nguồn nhân lực từ các bệnh viên thuộc Bộ Y tế và Quân đội, các đơn vị, cơ quan phối hợp là các cán bộ, chiến sỹ, hội viên, tình nguyện viên. Đã có 257.303 lượt người tham gia thực hiện các đợt khám bệnh, trong đó có 64.705 y, bác sĩ, dược sĩ; 74.736 điều dưỡng, kỹ thuật viên; 117.862 tình nguyện viên.
Chương trình được sự ủng hộ nguồn lực của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước: Cty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential; Cty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam; Cty TNHH Dược phẩm Tâm Bình; Phòng khám, chữa bệnh Chữ thập đỏ Đông Anh; Tổ chức Vision Care; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc của Chương trình. Ảnh: Kiến Nghĩa
Trong quá trình thực hiện Chương trình, nhiều tỉnh, thành đã phối hợp, vận động, huy động các đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm góp nguồn lực tổ chức các đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho người nghèo, khó khăn, đối tượng chính sách xã hội với số lượng vượt chỉ tiêu Trung ương giao như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bắc Giang, Hải Phòng, Hậu Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Phước, Kiên Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Lâm Đồng, Quảng Ninh và An Giang.
Kết quả của Chương trình đã được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước; đem lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu người nghèo và đối tượng chính sách trong cả nước.