Lào và Trung Quốc bắt đầu đàm phán dự án đường sắt cao tốc kết nối hai nước từ năm 2001. Dự án trị giá 1,2 tỷ USD được trao cho Tập đoàn đường sắt Trung Quốc vào tháng 9/2015. Tuy nhiên, do vụ bê bối chấn động liên quan cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân, việc thực hiện dự án bị trì hoãn đến đầu năm 2016.
Dự án được triển khai nhanh chóng và tăng tốc từ giữa năm 2017. Lý do dự án được thực hiện nhanh được cho là Lào trao nhiều quyền hơn cho các công ty Trung Quốc trong thi công. Khâu nghiên cứu khả thi, tiêu chuẩn kỹ thuật và loại thiết bị đều phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tàu cao tốc Lane Xang chạy thử hôm 16/10. Ảnh: Xinhua |
Từ đầu năm 2019, những người phụ trách dự án báo cáo một nửa dự án hoàn tất, và tuyến đường sắt này có thể đi vào khai thác trong tháng 12/2021. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ do các đơn vị thi công thực hiện những biện pháp phòng dịch, tuy nhiên kỹ sư Lào và Trung Quốc vẫn hoàn thành đúng kế hoạch.
Ngày 16/10 vừa qua, tàu cao tốc Lane Xang (nghĩa là Triệu Voi) bắt đầu chạy thử nghiệm ngay sau lễ bàn giao. Quá trình chạy thử cho thấy hệ thống truyền tải điện hoạt động trơn tru ở 20 ga nằm dọc hơn 420km đường sắt chạy trên lãnh thổ Lào. Sau thời gian chạy thử, tàu Lane Xang bắt đầu đón khách đi từ Lào đến Côn Minh và ngược lại từ đầu tháng 12.
Báo chí Trung Quốc nhấn mạnh dự án này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương. Xinhua viết rằng, hơn 5.000 công nhân địa phương đã được thuê để thực hiện dự án.
Trên thực tế, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, trước hết do địa hình. Các công ty Trung Quốc xây tổng số 170 cây cầu và 72 đường hầm vượt qua địa hình đồi núi của Lào. Bom mìn sót lại sau chiến tranh cũng trở thành vấn đề lớn.
Bên cạnh đó, dự án khiến một số người dân Lào không hài lòng về chính sách đền bù mà họ cho là không thỏa đáng, khiến chính quyền ra quyết định đền bù cho tất cả đất đai, nhà cửa, mùa màng và cây cối của người dân ở những nơi dự án đi qua. Vì vậy, chi phí hoàn thành dự án cuối cùng lên tới gần 6 tỷ USD, tương đương 1/3 GDP của Lào. Đây là dự án quy mô lớn nhất và chi phí cao nhất từng được thực hiện ở Lào. Năm 2019, Viện Lowy ước tính nợ của Lào với Trung Quốc chiếm tới 45% GDP của xứ sở Triệu Voi.
Bất chấp những vấn đề đó, các nhà lãnh đạo Lào khẳng định tuyến đường mới sẽ giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Mục tiêu của dự án là biến Lào từ một quốc gia gặp nhiều trở ngại do không giáp với biển thành một trung tâm kết nối các quốc gia trong khu vực bằng đường bộ.
Tuyến đường sắt được xây dựng theo tiêu chuẩn đường sắt cấp 1 của Trung Quốc, có thể chạy với tốc độ 160km/h nếu chở khách và 120km/h nếu chở hàng, đưa Lào trở thành quốc gia đầu tiên kết nối với mạng lưới đường sắt Trung Quốc bằng công nghệ Trung Quốc. Tuyến đường sắt được kỳ vọng sẽ kích thích ngành du lịch, khi du khách dự kiến sẽ chiếm phần lớn số lượng hành khách trên tàu. Tỉnh Nong Khai của Thái Lan cũng sẽ đón thêm du khách sau khi tuyến đường sắt này hoạt động, trong khi ngành xuất khẩu hoa quả từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhờ giảm chi phí vận chuyển.
Trung Quốc dự kiến xây 5.500km đường sắt xuyên châu Á, bắt đầu từ Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, xuống Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Malaysia và kết thúc ở Singapore, Ding He, phó trưởng ban quản lý dự án đường sắt Trung Quốc - Lào, cho biết.
Tuyến đường sắt dài 414km chạy từ thị trấn biên giới Boten của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đến thủ đô Vientiane của Lào. Từ Boten, tuyến đường tiếp tục chạy thêm 595km đến Côn Minh. Tại Vientiane, nó được kết nối với đường sắt của Thái Lan để qua tỉnh Nakhon Ratchasima đến thủ đô Bangkok. Dự án kéo dài đến thủ đô của Thái Lan dự kiến hoàn tất vào năm 2028. Sau khi hoàn thành, tuyến Boten - Vientiane sẽ trở thành một phần quan trọng của hệ thống đường sắt Côn Minh - Singapore.
Nơi nhanh nơi chậm
Tuyến tàu cao tốc Boten - Vientiane được xây dựng rất nhanh và nên được coi là dự án điển hình của sáng kiến Vành đai Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Trong khi đó, nhiều dự án tương tự ở các nơi khác không được thực hiện nhanh như vậy.
Khi trao hợp đồng xây dựng đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung cho một công ty Trung Quốc cách đây 6 năm, Indonesia chờ đợi dự án hoàn thành vào năm 2018 mà chính phủ không phải đóng góp tài chính hay bảo lãnh. Tuy nhiên, khi dự án đã chậm tiến độ hơn 3 năm và chi phí đội thêm hàng tỷ USD, Tổng thống Joko Widodo ban hành một sắc lệnh vào ngày 6/9 vừa qua để cho phép dùng ngân sách rót thêm vốn cho dự án.
Trung Quốc và Indonesia ký thoả thuận vào tháng 9/2015 để xây tuyến đường sắt cao tốc dài 140km để có thể di chuyển từ thủ đô Jakarta đến Bandung trên đảo Tây Java chỉ trong 45 phút, trong khi các tuyến đường sắt hiện nay mất 3,5 tiếng đồng hồ. Indonesia ban đầu dự kiến chi phí xây dựng là 5,5 tỷ USD, nhưng đến đầu năm nay đã tăng lên 6,07 tỷ USD. Đánh giá gần đây của Kereta Cepat Indonesia China, một liên doanh giữa các doanh nghiệp nhà nước Indonesia với các công ty đường sắt và đơn vị vận hành dự án (gọi tắt là KCIC) ước tính tuyến đường này sẽ tốn ít nhất 7,97 tỷ USD.
Ai trả chi phí đội thêm đó là một vấn đề lớn. 75% chi phí dự án được vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), còn lại từ KCIC. Indonesia sở hữu 60% KCIC, còn Trung Quốc sở hữu 40%. Nhưng Indonesia không cấp thêm vốn, trong khi Trung Quốc từ chối cho vay thêm qua CDB hay buộc các công ty nước này gánh thêm chi phí. Trước khi Trung Quốc giành được hợp đồng, Nhật Bản đề xuất làm đường sắt cao tốc kiểu Shinkansen với chi phí 5,29 tỷ USD, trong đó gần 4 tỷ USD cho vay qua kênh ODA. Tuy nhiên, Tổng thống Widodo chọn nhà thầu Trung Quốc, với lời hứa về việc chuyển giao công nghệ tàu cao tốc và giúp Indonesia không phải gánh chi phí hay khoản nợ nào, Nikkei Asia đưa tin.