Hơn 40 nghìn tỷ nợ thuế không còn khả năng thu hồi

Theo Luật Quản lý thuế 2019, từ 1/7/2020, người nộp thuế đang bị cưỡng chế thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh
Theo Luật Quản lý thuế 2019, từ 1/7/2020, người nộp thuế đang bị cưỡng chế thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Dù ngành thuế đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thu hồi nợ thuế, nợ đọng, cưỡng chế nợ, song đến nay số nợ thuế không còn khả năng thu hồi vẫn lên gần 40.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8. Ngày 1/11, Quốc hội đã thảo luận dự thảo Nghị quyết này tại Nghị trường.

Được biết, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 và được thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực.

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 10/2019 gần 83.400 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018 và  tăng trên 9% so với thời điểm 31/12/2018. 

Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu là 43.543 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,2% tổng số tiền nợ thuế. Số này giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 12,4% so với thời điểm 31/12/2018.

Đáng chú ý, tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 39.848 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,8% tổng tiền thuế nợ.

Số nợ này đã tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 6% so với thời điểm 31/12/2018.

Tổng Cục Thuế cho biết, lũy kế tính đến cuối tháng 10/2019, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ tại thời điểm 31/12/2018 đạt 27.667 tỷ đồng, bằng 71,4% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018. 

Để xử lý thu hồi nợ đọng thuế, Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 04/CT-BTC chỉ đạo cơ quan thuế các cấp và gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp, tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng thuế. 

Trong đó, Chỉ thị đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp xây dựng phương án xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn quản lý. Đồng thời, Chỉ thị cũng nêu rõ trách nhiệm và cụ thể các giải pháp trong việc thu hồi, xử lý nợ đọng thuế. 

Trước đó, Tiền Phong có bài viết: Xử lý doanh nghiệp nợ thuế: Nguy cơ mất trắng hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Ngày 27/8, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp cuối năm nay theo trình tự thủ tục rút gọn.

Theo Tổng cục Thuế, tổng số nợ đọng của các nhóm đối tượng này đến nay khoảng 30 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ tiền thuế hơn 17.000 tỷ đồng, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp gần 12.000 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, tổng số tiền nợ không có khả năng thu hồi sẽ được xóa khoảng 12.000 tỷ đồng. Đây là tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, còn số nợ gốc không được xóa.

“Các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa”, Tổng cục Thuế cho hay.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.