Hơn 300 đại biểu bàn về chủ trương, chính sách công nghiệp hoá đất nước

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 28/7, tại TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo nhằm hoàn thiện những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) của Việt Nam góp phần phục vụ xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 và định hình mô hình CNH-HĐH của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới.

Hơn 300 đại biểu bàn về chủ trương, chính sách công nghiệp hoá đất nước ảnh 1

Hội thảo nhằm hoàn thiện những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Ngô Tùng

Chủ trì hội thảo gồm: ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM.

Hội thảo còn có sự tham dự và góp ý kiến của khoảng 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành, các lãnh sự quán, chuyên gia trong và ngoài nước...

Hơn 300 đại biểu bàn về chủ trương, chính sách công nghiệp hoá đất nước ảnh 2

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

Hơn 300 đại biểu bàn về chủ trương, chính sách công nghiệp hoá đất nước ảnh 3

Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng, CNH-HĐH là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm có tính chiến lược và quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.

Hơn 300 đại biểu bàn về chủ trương, chính sách công nghiệp hoá đất nước ảnh 4

Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân đề dẫn hội thảo.

CNH-HĐH đã được đặt ra tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, từ Đại hội 6 đến Đại hội 13, đã có những thay đổi quan trọng về nhận thức, lý luận, tạo bước ngoặt cho sự phát triển.

Tại Đại hội 11, Đảng đã bao quát về “3 đột phá chiến lược” liên quan trực tiếp đến CNH, HĐH đất nước đó là “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; về giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; về xây dựng kết cấu hạ tầng..”

Đặc biệt, Đại hội 13 đưa ra mục tiêu tổng quát: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc… phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

PGS.TS Vũ Hải Quân cũng cho biết, từ những chủ trương chính sách của Đảng, quá trình CNH-HĐH nước ta đã thu được những một số thành tựu quan trọng: Công nghiệp là ngành đóng góp ngày càng lớn trong nền kinh tế, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã đi vào thực chất hơn: Giai đoạn 2011-2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân; gia tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp trong nền kinh tế từ 26.6% năm 2011 đến 28.5% vào năm 2019.

Cơ cấu ngành công nghiệp có sự dịch chuyển ngày càng tích cực; góp phần chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận quá trình CNH-HĐH đất nước trong thời gian vừa qua còn chậm; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được.

Chúng ta đã có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dệt may, khởi nguồn từ nhà máy dệt Nam Định. Chúng ta đã có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp luyện kim, gắn với khu gang thép Thái Nguyên. Chúng ta đã có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, ngành công nghiệp mía đường, ngành công nghệ hóa dầu, ngành công nghiệp phần mềm… Nhưng những kết quả đạt được đến thời điểm này vẫn còn hạn chế. Đất nước chưa có nhiều những doanh nghiệp, những thương hiệu KHCN mang tầm khu vực và quốc tế.

“Vậy phải chăng nguyên nhân là do nhận thức và triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về CNH-HĐH còn chậm, hay là do vấn đề thể chế, do phân bổ nguồn lực còn dàn trải? Đây là những vấn đề mà trong hội thảo hôm nay bàn thảo, làm rõ. Đây cũng sẽ là những bài học kinh nghiệm thực tiễn quan trọng cho việc xây dựng Nghị quyết mới”, ông Vũ Hải Quân bày tỏ.

Hơn 300 đại biểu bàn về chủ trương, chính sách công nghiệp hoá đất nước ảnh 5

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại VIệt Nam dự hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

MỚI - NÓNG