Hơn 30% HS cận thị vì lớp học thiếu sáng

Ánh sáng tại Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội) không có sự đồng nhất.
Ánh sáng tại Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội) không có sự đồng nhất.
TP - Bác sỹ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, bệnh viện đã tiến hành khảo sát 39 trường học tại Hà Nội. Kết quả, có tới 32,42% học sinh bị tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị…

Nguy cơ bị tật khúc xạ rất cao

Theo khảo sát của PV tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, mỗi lớp trên 50 học sinh mới được bố trí 12 bóng đèn huỳnh quang chiếu sáng liên tục trong các giờ học. Mỗi bóng đèn có chiều dài 1,2m, được lắp trong máng treo theo chiều ngang so với đầu học sinh. Bà Lý Thị Lương, Hiệu trưởng trường cho hay, cách đây nhiều năm, trường thay thế hệ thống bóng đèn hạ trần (cách trần nhà khoảng 80cm) để đón tối đa ánh sáng vào bàn học. 

Có hai con đang theo học tại Hà Nội, năm nào đi họp phụ huynh, TS. Bác sĩ Đỗ Hoàng Dương (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) cũng xin được thay hệ thống đèn trong lớp học miễn phí cho các cháu nhằm tránh nguy cơ thiếu ánh sáng nhưng không được nhà trường đồng ý. Đau đáu với nỗi lo trong tương lai, ngày càng có nhiều học sinh bị cận thị, đầu năm học 2015 - 2016, anh nhận lời hướng dẫn hai học sinh của Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội) là Đỗ H.N và Nguyễn P.T nghiên cứu đề tài về chất lượng chiếu sáng trường học và kết quả thu về, hầu hết các điểm đo đều không đạt chuẩn.

Thiếu ánh sáng phòng học được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ học sinh bị cận thị ngày càng cao. Bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, riêng năm 2013, bệnh viện tiến hành khảo sát 39 trường học tại Hà Nội. Kết quả, có tới 32,42% học sinh bị tật khúc xạ gồm: cận thị, viễn thị và loạn thị. Trong đó, học sinh tiểu học chiếm 20%, THCS 30%, cao nhất là học sinh THPT chiếm gần 50%.

Tương tự, từ tháng 4/2012 đến tháng 4/2013 nhóm bác sĩ Viện mắt TMH-RMH An Giang khảo sát trên 1.085 học sinh đầu cấp và cuối cấp tiểu học ở thành phố Long Xuyên (An Giang). Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ tăng lên theo độ tuổi. Cụ thể, lớp 1 có 13,1% học sinh có vấn đề về mắt, lên lớp 5 có 19,8% bị tật khúc xạ.

Thiếu tiền hay thiếu quan tâm?

Nhóm nghiên cứu của TS. Bác sĩ Đỗ Hoàng Dương (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) chọn Trường THCS Dịch Vọng, Cầu giấy (Hà Nội) làm điểm đo thí nghiệm. Trường này đang dùng hệ thống bóng đèn huỳnh quang. Dưới sự hướng dẫn của chuyên viên Viện trang thiết bị (Bộ Y tế), nhóm đã dùng máy đo độ sáng Light Meter (dùng thẩm định ánh sáng phòng mổ) đo ánh sáng tại 35 điểm ở 5 khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Kết quả, các điểm sáng trong lớp không đồng nhất với nhau. Cụ thể, điểm đo giữa bảng của lớp ở tầng 1 cho chỉ số 98 lux, lớp tầng 2 có chỉ số 126 lux, lớp tầng 4 chỉ số 182 lux. Chỉ có 8/35 (22%) điểm đo đạt mức chiếu sáng 300 lux trở lên (chỉ tiêu đạt chuẩn quy định của các nước tiên tiến về ánh sáng phòng học), các vị trí còn lại đều ở mức thấp.

Tại Điều 9 Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT năm 2011 quy định, ánh sáng phòng học bộ môn, phòng chức năng phải đạt 150 - 200lux. Riêng phòng có học sinh bị tật khúc xạ ánh sáng tối thiểu đạt 300lux. Trong khi, hầu hết lớp học hiện nay đều có học sinh bị cận, viễn hoặc loạn thị. TS Dương chia sẻ thêm, khi test nhanh 100 học sinh ở các khối lớp tại trường này cũng có tới 75% học sinh bị cận thị phải đi kiểm tra bác sĩ. Theo bác sĩ Dương, điều này do nhiều nguyên nhân như ở trường học và ở nhà sử dụng ánh sáng chưa phù hợp. Kết quả khảo sát trên 50 phụ huynh và 100 học sinh cho thấy, có 10% học sinh ở nhà đang được sử dụng bóng đèn sợi đốt, 54% học sinh dùng đèn nê-ông, 36% học sinh dùng đèn compact (tiết kiệm điện) để học bài.

TS Trần Đình Bắc, chuyên gia chiếu sáng trường học, Viện Bảo hộ Lao động khuyến cáo: “Loại bóng đèn năng lượng thấp như đèn nê - ông, đèn compact ưu điểm đỡ tốn điện, tiết kiệm chi phí nên thường được ưu tiên sử dụng tuy nhiên loại đèn này có phổ ánh sáng dạng sóng, có thể gây khó chịu cho người sử dụng lâu”. TS Lê Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Trang thiết bị Y tế (Bộ Y tế) cho rằng: Các điểm sáng trong lớp học không đồng nhất khiến mắt học sinh phải điều tiết liên tục cho phù hợp là nguyên nhân chính gây cận thị.

Nhóm nghiên cứu của TS. Bác sĩ Đỗ Hoàng Dương (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) chọn Trường THCS Dịch Vọng, Cầu giấy (Hà Nội) làm điểm đo thí nghiệm. Nhóm đã dùng máy đo độ sáng Light Meter đo ánh sáng tại 35 điểm ở 5 khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Kết quả, chỉ có 8/35 (22%) điểm đo đạt mức chiếu sáng 300 lux trở lên (chỉ tiêu đạt chuẩn quy định của các nước tiên tiến về ánh sáng phòng học), các vị trí còn lại đều ở mức thấp. 

MỚI - NÓNG