Hôm nay, 680.000 học sinh ở TPHCM đến trường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm nay (4/1), khoảng 680.000 học sinh các khối 7, 8, 10 và 11 ở TPHCM đồng loạt đến trường học trực tiếp cùng với hơn 150.000 học sinh khối 9 và 12 đã đi học từ ngày 13/12.

Việc đón số lượng lớn học sinh quay trở lại trường khi TPHCM vẫn có vài trăm ca mắc COVID-19 mỗi ngày đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ càng từ nhà trường lẫn phụ huynh, học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho việc vừa học vừa phòng chống dịch bệnh.

Hôm nay, 680.000 học sinh ở TPHCM đến trường ảnh 1

Học sinh TPHCM háo hức đến trường sau chuỗi ngày dài học trực tuyến

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết, để chuẩn bị đón học sinh trở lại, nhà trường đã tổ chức cho các em đến lớp trước 1 buổi để làm quen cũng như hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh khi quay trở lại trường học. Việc này được thực hiện trong kỳ nghỉ Tết dương lịch.

Mỗi lớp chỉ 30 học sinh nên không thực hiện việc chia lớp, các em sẽ đi học từ thứ Hai đến thứ Bảy, mỗi ngày 3-4 tiết, tùy khối lớp. Lớp 12 sẽ học 24 tiết trực tiếp/tuần, khối 10 và 11 là 18 tiết/tuần, số tiết còn lại sẽ học trực tuyến. Sau mỗi buổi học, trường sẽ tổng vệ sinh các phòng học.

Ngoài ra, trường Nguyễn Du thực hiện ứng dụng “Lớp học xanh” bằng cách 20h hàng ngày, phụ huynh sẽ tương tác với giáo viên chủ nhiệm, cung cấp tình hình sức khỏe từng thành viên trong gia đình. Trường hợp có các dấu hiệu ho, sốt, sổ mũi sẽ được thông báo chi tiết.

Tối Chủ nhật hằng tuần, phụ huynh sẽ cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 của học sinh để nhà trường nắm bắt và tổ chức kế hoạch học tập trong tuần tiếp theo.

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình) những ngày qua cũng tổ chức họp phụ huynh học sinh khối 10 và 11 để phổ biến thông tin cũng như hướng dẫn phòng dịch khi học sinh trở lại trường.

“Do số lượng học sinh đông nên công tác tổ chức dạy và học sẽ áp lực hơn. Bên cạnh việc bố trí giãn cách, trường sẽ bố trí mỗi khối học một buổi khác nhau, với 24 tiết/tuần, 8 tiết còn lại học online”, ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) thông tin, nhà trường tổ chức cho học sinh khối 12 học 2 buổi sáng, chiều. Riêng khối 10, 11 học một buổi để đảm bảo giãn cách. Nhà trường đã cân đối chi phí để mua bộ xét nghiệm nhanh phục vụ phòng chống dịch. Nếu giáo viên, học sinh nào có dấu hiệu là xét nghiệm luôn để bảo đảm an toàn.

Bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), cho hay, công tác phòng, chống dịch trong gần 3 tuần lớp 9 đi học trở lại đã giúp nhà trường có kinh nghiệm để chuẩn bị đón học sinh lớp 7, 8 học trực tiếp.

Tuy nhiên, số lượng học sinh đông trong khi phòng ốc không đủ nên trường không chia đôi lớp. Ngoài ra, giáo viên sẽ tăng cường giám sát, nhân viên văn phòng trường sẽ quan sát sân chơi và nhà vệ sinh, nơi rửa tay để điều tiết, đảm bảo giãn cách và không cho học sinh tụ tập.

Ngay khi trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài phải học trực tuyến, học sinh sẽ bắt tay ngay vào ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ. Theo quy định của Sở GD&ĐT TPHCM, việc tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức và kiểm tra học kỳ I năm học 2021-2022 được thực hiện trực tiếp tại trường từ ngày 4 - 22/1. Nếu học sinh khối 6 và các khối lớp khác vì lý do bất khả kháng không thể đến trường tham dự kiểm tra học kỳ trực tiếp trong khoảng thời gian trên thì được kiểm tra sau khi quay lại trường học tập.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.