Hồi ức ám ảnh của viên phi công trong công-ten-nơ

Hồi ức ám ảnh của viên phi công trong công-ten-nơ
TP - Suốt hơn 5 năm, Brandon Brydant làm việc trong một công-ten-nơ không cửa sổ; nhiệt độ trong đó luôn được giữ ở 17 độ C, và vì lý do an ninh, cửa chính cũng không được mở. Bryant và đồng nghiệp ngồi làm việc trước 14 màn hình máy tính và 4 bàn phím. Chỉ cần Bryant nhấn một nút trên bàn phím thì sẽ có người ở nơi nào đó trên thế giới bị giết.

Tình cờ gia nhập quân đội, nhưng vì khả năng xuất sắc nên anh trở thành người điều khiển máy bay không người lái trong một đơn vị đặc biệt của Không lực Mỹ tại bang New Mexico. Anh đã giết nhiều người. Nhưng rồi một hôm, anh nhận ra rằng mình không thể tiếp tục làm thế.

Người hay chó?

Chiếc công-ten-nơ lúc nào cũng có tiếng kêu của máy tính. Đó là bộ não của một máy bay tàng hình, hay còn gọi là buồng lái theo ngôn ngữ của không quân.

Nhưng các phi công không phải bay trên bầu trời, mà chỉ cần ngồi tại chỗ để điều khiển, quan sát mục tiêu qua hình ảnh chụp bằng camera hồng ngoại.

Bryant là một trong số phi công như thế. Và anh nhớ rất rõ cái lần máy bay không người lái Predator bay lượn theo hình số 8 trên bầu trời Afghanistan, cách New Mexico hơn 10.000km. Ở đó có một ngôi nhà mái bằng, đắp từ bùn và một chuồng gia súc

. Khi nhận được lệnh bắn, Bryant đã nhấn nút bằng tay trái và đánh dấu ngôi nhà trên màn hình bằng laser. Người phi công ngồi cạnh anh nhấn cò trên cần điều khiển để chiếc máy bay phóng tên lửa Hellfire. Chỉ còn 16 giây nữa là tên lửa chạm mục tiêu.

“Những khoảnh khắc đó giống như một thước phim quay chậm”, Bryant nhớ lại. Những hình ảnh chụp bằng camera hồng ngoại của máy bay sau đó được chuyển qua vệ tinh về màn hình máy tính của Bryant, với độ trễ thời gian là 2-5 giây. Khi chỉ còn 7 giây, Bryant không nhìn thấy ai trên mặt đất.

Vào lúc đó, anh vẫn có thể chuyển hướng tên lửa. Khi chỉ còn 3 giây, Bryant cảm thấy như thể anh phải đếm từng điểm ảnh trên màn hình. Bất ngờ, một đứa trẻ bước ra từ góc nhà.

Không kịp nữa, Bryant thấy một đốm sáng trên màn hình. Một phần của ngôi nhà đã sập. Đứa trẻ biến mất. Bryant thấy quặn đau trong lòng.

“Có phải chúng ta chỉ giết được đứa trẻ?”, Bryant hỏi đồng nghiệp ngồi bên. “Vâng, tôi đoán đó là một đứa trẻ”, người phi công đó trả lời.

“Đó có phải là một đứa trẻ không?”, họ hỏi qua chat với trung tâm chỉ huy quân sự. “Không. Đó chỉ là một con chó”, họ trả lời. Bryant xem lại đoạn video. Một con chó đi bằng 2 chân?

Cuộc chiến vô hình

Vào ngày Bryant rời khỏi chiếc công-ten-nơ đó, anh bước thẳng tới vùng đồng cỏ khô kéo dài tới tít đường chân trời, những cánh đồng và mùi nồng nồng của phân. Mỗi khoảnh khắc, ánh sáng từ cột radar của căn cứ không quân Cannon lại quét qua. Ở ngoài này không có cuộc chiến nào cả.

Chiến tranh hiện đại thường vô hình, không giới hạn bởi khoảng cách, vì ai đó có thể tham chiến bằng cách điều khiển từ các trung tâm công nghệ cao ở khắp nơi trên thế giới.

Cách thức này được cho là chính xác hơn so với phương pháp chiến tranh cổ điển, thế nên nhiều người nói rằng chiến tranh hiện đại “nhân văn” hơn.

Đó là cuộc chiến của trí óc, cuộc chiến mà Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào.

Một ngôi nhà màu vàng ở vùng ngoại ô thành phố Missoula, bang Montana nổi lên trên nền núi rừng và sương mù. Mặt đất phủ đầy lớp tuyết đầu mùa. Bryant, năm nay 27 tuổi, đang ngồi trên chiếc ghế dài trong phòng khách cùng mẹ.

Anh đã rời quân ngũ và trở về nhà. “Bốn tháng nay tôi không còn mơ thấy ánh sáng hồng ngoại nữa rồi”, Bryant nói rồi cười, và coi đây là chiến thắng nho nhỏ của riêng mình.

Bryant đã hoàn thành 6.000 giờ bay suốt hơn 5 năm trong Không quân Mỹ. “Tôi nhìn thấy đàn ông, đàn bà và trẻ em thiệt mạng ở Afghanistan, Iraq trong suốt thời gian đó. Tôi chưa từng nghĩ tôi sẽ giết nhiều người như thế. Trước đây tôi nghĩ rằng mình không thể giết ai”.

Các bác sĩ ở Hội Cựu chiến binh Mỹ chẩn đoán Bryant bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Thế giới của Bryant luôn bị ám ảnh bởi đứa trẻ ở Afghanistan. Điều đó giống như hiện tượng đoản mạch trong bộ não của máy bay không người lái.

Tại sao Bryant không thể phục vụ trong lực lượng không quân thêm nữa? Anh nói, có một ngày anh biết rằng mình không thể tiếp tục được nữa. Đó là ngày Bryant bước vào chiếc công-ten-nơ và nghe thấy chính mình nói với đồng nghiệp: “Này, hôm nay người quái nào sẽ phải chết vậy?”.

Brydant thích làm ca đêm vì lúc đó là ban ngày ở Afghanistan. Vào mùa xuân, phong cảnh núi rừng với đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa và thung lũng xanh mơn mởn khiến anh nhớ tới quê nhà Montana.

Bryant nhìn thấy người lớn trồng cấy, các bé trai đá bóng, các ông chồng ôm vợ con… Khi trời tối, anh chuyển qua camera hồng ngoại.

Vào mùa hè, nhiều người Afghanistan ngủ trên mái cho mát. “Tôi thấy các cặp vợ chồng ân ái. Đó là khi hai điểm hồng ngoại chập làm một”, anh kể.

Anh quan sát họ nhiều tuần liền, đó là những người có tên trong danh sách mà quân đội, cơ quan tình báo, người chỉ điểm địa phương lập ra. Anh theo dõi họ, cho đến khi cấp trên ra lệnh bắn. Nhưng trên thực tế, người chết, bị thương có khi chỉ là thường dân

Gia Tùng
Theo Der Spiegel

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG