Sáu năm- một khoảng thời gian bảo dài chưa dài, nói ngắn cũng chẳng ngắn. Một khoảng thời gian mà, tuy có thể chưa đủ cho một sự chín tới trong tư tưởng, nhưng cũng lại mang trong nó đầy những rung động, hay cô đọng, đáng kể, nhất là trong một người nghệ sĩ.
Đối với nhà điêu khắc Lương Văn Việt, dường như khoảng cách sáu năm này, từ cuối năm 2008- sau triển lãm “Con đường của sắt" - tới nay, là một giọt đọng trong thời gian, một khoảng ngừng để anh nhìn lại, đun nấu lại, cô đọng lại những ý tưởng, những điểm nhìn của bản thân, để đặt thêm những bước gần hơn tới mùa chín của anh.
Và bây giờ, sau sáu năm, vào tháng 1 năm 2015, với triển lãm cá nhân mang tên “Hội Tụ", những thành quả của Lương Văn Việt sẽ lần đầu tiên được đưa ra với công chúng.
Trong triển lãm lần này, Việt sẽ trình bày sáu tác phẩm của mình, gồm ba bức tượng và ba phù điêu, với quy mô tác phẩm có thể nói là lớn nhất từ trước tới giờ của anh. Chất liệu sắt, một chất liệu mà anh đã gắn bó từ những ngày đầu tiên sáng tác, vẫn tiếp tục là chất liệu chủ đạo của triển lãm lần này.
Cũng dễ hiểu thôi- sắt đối với anh như một bách niên tri kỉ, một tiếng nói đồng âm, đồng điệu với những gì anh muốn thể hiện. Trong sắt, anh tìm được những mối nối “không giống ai", giữa cái mới mẻ, cái thô ráp nặng nề, cái uyển chuyển và, nhất là, cái ánh lạnh lẽo không tìm thấy được ở đâu khác- những mối nối then chốt cho những ý tưởng mà anh muốn đưa tới “Hội tụ".
Về những tư tưởng đằng sau những điêu khắc và phù điêu được đưa vào triển lãm, nó như những chiêm nghiệm được nối tiếp trên dòng chảy ý niệm được bắt nguồn từ triển lãm “Cửa hẹp" (2010) của anh.
Vẫn là những cánh cửa nhân sinh hữu hình nhưng cũng lại rất vô hình, vẫn là những ô cửa mỗi sinh linh buộc phải đi qua trên con đường từ sinh-tử của mình; nhưng trong “Hội tụ", dường như Việt đã mở rộng ra rất nhiều lần cái khe hẹp trong những cánh cửa anh đã đặt ra tại “Cửa hẹp”.
Sự mở rộng này, không chỉ gói gọn trong quy mô tác phẩm, mà nó còn nằm ở cái nhìn về vấn đề anh đưa vào những tác phẩm: sự bình đẳng, và cách anh sử dụng những hình hài tối giản để cái nhìn ấy vào trong mạch tác phẩm của mình.
Những điêu khắc, phù điêu của anh, khi được đặt vào không gian, tạo thành những cột mốc cho những ý niệm, trăn trở của anh: một sinh linh, từ khi bước qua cánh cửa đầu tiên của cuộc đời cho tới lúc dừng lại ở thềm cửa cuối cùng, làm thế nào để có được bình đẳng?
Nói về bình đẳng ở đây, không chỉ là về những mặt ngoài: diện mạo, hay chức danh, hay thậm chí đến cả những thứ bên dưới mặt ngoài ấy: tri thức, đạo đức, nhân phẩm.. Như tiểu thuyết gia Fitzgerald đã viết trong cuốn sách kinh điển “Gatsby Vĩ Đại": “Ghi khắc điều này, cho những khi ý muốn đánh giá kẻ khác trỗi dậy trong con: không phải ai cũng được ưu ái những điều tốt đẹp thế giới dành cho con”.
Mặt lộ hay mặt ẩn, chúng ta đều không bình đẳng, chính vì cuộc đời không dành những điều tốt đẹp giống nhau cho tất cả mọi người. Như vậy, thế nào là bình đẳng, thế nào để có được bình đẳng?
Câu trả lời mà Lương Văn Việt đưa vào chuỗi tác phẩm “Hội Tụ" nằm ở con đường, nằm ở những cánh cửa nhân sinh: đó chính là sự bình đẳng được dành cho con người. Cột mốc đầu tiên, Tác phẩm Cổng: cánh cổng lớn được sơn son ta đỏ chót, nhưng lại dẫn tới một ngã ba- đối với tác giả, nó là cánh cổng lớn tất cả sinh linh đều phải bước qua khi đi vào cõi đời.
Nhưng, một khi đã bước qua cánh cổng ấy rồi, đối diện với họ không chỉ là một con đường độc nhất- mà là những lựa chọn, những ngã ba cuộc đời đặt ra để đòi hỏi một sự khác biệt trong một sinh linh.
Phải hay trái, sai hay đúng, đạo đức hay vô đạo đức, thiện hay ác - những ngã ba tuy trông đơn giản nhưng lại nối vào những ngõ nhỏ chằng chịt, khiến cho đôi khi lựa chọn không thể dễ dàng.
Tuy vậy, dẫu một người có chọn ngã rẽ nào trong những ngã ba đó, đích đến, cột mốc tiếp theo họ bước tới đều như nhau: “Bình đẳng”- hay cuộc sống, hay dòng đời, hay thời gian mỗi người có để tồn tại trên một cuộc đời.
Trong “Bình Đẳng" là một dãy những tấm thẳng hàng; ở giữa chúng, những ô vuông sơn son thiếp đỏ - câu hỏi về sự bình đẳng trong nội tâm? Xã hội, qua cái nhìn của Việt- như những tấm cửa thẳng hàng: dù một người có chọn ngã rẽ nào, có đi đường nào và nhận được gì, họ đều “thẳng hàng”, đều bình đẳng.
Cuộc đời, xã hội, không lấy của ai cái gì và cũng không cho không ai cái gì- những gì nó lấy và nó cho đi, đều chỉ là một sự chơi đùa với nhân sinh, để tạo ra những sự khác biệt, những sắc màu không đơn điệu cho chính bản thân nó. Và sau tất cả những sự “xếp hàng”, những ngã rẽ trong cuộc đời, con người bước tới cánh cửa cuối cùng: “Hội Tụ"- hay cái chết, sự lìa trần.
“Hội tụ" là một vòng tròn- một vòng tròn của những cột mốc, những cột bia, cao ngừng ngững nhìn xuống phán xét những gì đứng giữa. Những cột bằng nhau, không cột nào nhỉnh hơn cột nào- trong con mắt của cái chết, của cánh cửa cuối cùng, tất cả đều bình đẳng: Sang hay nghèo, cao thượng hay bần tiện, tri thức hay ngu dốt. Và, dắt tay nhau, những linh hồn bình đẳng này cùng bước qua một ngưỡng cửa cuối cùng, để sang một thế giới khác, một tâm niệm khác, mà ở đó, liệu tất cả có bình đẳng?
Những tác phẩm Lương Hoàng Việt đưa tới với “Hội Tụ", dường như không chỉ là một ý niệm- nó còn là một dòng chảy những câu hỏi không có câu trả lời, những thách đố với tâm niệm người xem. Từ đó, để mỗi người bước ra từ “Hội Tụ", sẽ có những câu hỏi cho chính mình, một cơ hội để đưa một cái nhìn khác cho bản thân.