Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá khẳng định Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa” đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn trong việc hoàn thiện Đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Hiện nay Thanh Hóa có dân số 3,64 triệu người, đứng thứ 3 cả nước, diện tích tự nhiên trên 11 nghìn km2, đứng thứ 5 cả nước; có 27 huyện, thị xã, thành phố với 559 xã, phường, thị trấn, trong đó có 11 huyện miền núi với dân số 1,1 triệu người. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa có 27 đảng bộ huyện, thị, thành và 4 đảng bộ trực thuộc với hơn 229 nghìn đảng viên.
Trong những năm qua, Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Nổi bật là kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2011 – 2020 đạt 10,3%, trong đó giai đoạn 2016 – 2020 đạt 12,1%, đứng đầu các tỉnh BắcTrung Bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 ước đạt trên 229 nghìn tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ ba cả nước. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng đột phá và khá bền vững, năm 2020 dự kiến thu được 29 nghìn tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 11 trong cả nước.
Du lịch phát triển đột phá đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển khá bền vững hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, là một trong những tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất của cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh dần dần được cải thiện.
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, nhất là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo bước đột phát trong thu hút vốn đầu tư cho phát triển. Trong đó, thu hút vốn FDI đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, thuộc 5 tỉnh, thành phố có huy động vốn đầu tư FDI cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện. Hiện nay Thanh Hóa có đầy đủ các loại hình giao thông kết nối thuận lợi với các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trong đó có những hạ tầng rất quan trọng như: Cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế.
Văn hóa – xã hội có chuyển biến tiến bộ giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD, gấp 3,3 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm luôn được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt. Trung bình mỗi năm có 60 nghìn người lao động được giải quyết việc làm.
Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội đươc củng số, quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của Thanh Hóa ngày nay ngày càng được nâng cao.
Với những đóng góp to lớn của Thanh Hóa trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, với vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu to lớn về mọi mặt mà Thanh Hóa đạt được trong chặng đường vừa qua, theo đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Bộ Chính trị đã đồng ý cho lập Đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giao Ban Chỉ đạo 218 Trung ương, mà cơ quan thường trực là Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Thanh Hóa triển khai xây dựng và hoàn thiện Đề án.
Qua cuộc hội thảo lần này, tỉnh Thanh Hóa tập trung xây dựng thành tỉnh công nghiệp, trong đó cần phải có những bước đi, lộ trình cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm cho từng vùng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Thanh Hóa cần phát huy lợi thế của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn để tận dụng phát triển những sản phẩm khác từ lọc hóa dầu. Đồng thời quan tâm đến phát triển công nghiệp nặng với những lợi thế sẵn có, tăng cường công tác liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa vùng và cùng với đất nước phát triển.
Việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tiền đề hết sức quan trọng để Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xây dựng Nghị quyết trong nhiệm kỳ tới, biến những nội dung Nghị quyết cuả Bộ Chính trị sắp ban hành đi vào cuộc sống.
Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã tham dự và chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị Ban Chỉ đạo cần tiếp thu các góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo, đồng thời lắng nghe các ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành và địa phương nhằm có cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện đề án chuẩn bị trình báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Nghị quyết phải tạo ra các cơ chế chính sách cho Thanh Hóa phát triển đột phá, để Thanh Hóa vì cả nước và cả nước vì Thanh Hóa, cũng chính là để hiện thực hóa được lời căn dặn của Bác “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”.