Hội thảo cấp quốc gia về Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh

Toàn cảnh buổi hội thảo
Toàn cảnh buổi hội thảo
TPO - Ngày 14/5, tại thị xã Gia Nghĩa, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh uỷ Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc” (19/5/1959-19/5/1019)

Dự hội thảo cấp Quốc gia này có 350 đại biểu là các tướng lĩnh quân đội, những người đã trực tiếp tham gia mở đường trong chiến tranh, những người tham gia nâng cấp Đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, các nhà khoa học, các nhà lý luận, đại diện các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương các tỉnh trong khu vực.

Hội thảo cấp quốc gia về Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ảnh 1Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

Cách đây 60 năm, trước yêu cầu đẩy mạnh cuộc đấu tranh Cách mạng tại miền Nam, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải  chi viện chiến lược nối liền hậu phương  miền Bắc với chiến trường miền Nam. Đây là sự chỉ đạo sáng suốt kịp thời của Đảng thể hiện quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

 Thượng tướng Lê Chiêm, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trưởng Ban chỉ đạo hội thảo khẳng định: “Điều làm nên sự huyền thoại của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh không chỉ là vai trò đóng góp của con đường đối với sự nghiệp Cách mạng của toàn Đảng, toàn dân toàn quân ta, mà còn là biểu tượng của mối quan hệ đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia cùng chung ngọt sẻ bùi chống kẻ thù chung lúc đó”.

Hội thảo cấp quốc gia về Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ảnh 2Phỏng vấn cựu chiến binh dự Hội thảo

Bằng nỗ lực phi thường và ý chí quyết tâm thống nhất đất nước, các lực lượng ta trên đường Trường Sơn đã xây dựng tuyến vận tải chiến lược ngày càng hoàn chỉnh với chiều dài  gần 17 nghìn  km gồm 5 trục dọc men theo dãy Trường Sơn. Suốt 16 năm, trên tuyến đường Hồ Chí Minh ta đã vận chuyển được 1 triệu tấn vật chất, bảo đảm hành quân  cho 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, góp phần cung ứng kịp thời  nguồn nhân lực cần thiết cho các chiến trường.

Thiếu tướng Phạm Bá Tòng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên phó Tư lệnh Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Binh đoàn 12, tự hào khi nói về những năm tháng cống hiến xương máu tại đường Trường Sơn huyền thoại : “Đường Trường Sơn được làm bằng mồ hôi, công sức và xương máu của bộ đội. Con đường Trường  Sơn còn có ý nghĩa về kinh tế quốc phòng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước chúng ta trong thời đại ngày nay”.

Dự Hội thảo, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh, nguyên cán bộ Hậu cần tỉnh Quảng Đức, nay là tỉnh Đắk Nông chia sẻ: "Thông qua Hội thảo, tôi mong muốn thế hệ sau này phải tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn những cống hiến lớn lao trong gian khổ của những người đi trước, đồng thời lấy những tấm gương này vận động con cháu mình tham gia lực lượng vũ trang để bảo vệ Tổ quốc”.

Tại hội thảo , Ban tổ chức  đã nhận được hơn 80 báo cáo tham luận khoa học của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.

MỚI - NÓNG