Tướng Đồng Sỹ Nguyên và đường Hồ Chí Minh huyền thoại

TPO - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trở về Trường Sơn bên các đồng chí, đồng đội hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, khi mà chỉ còn 2 tháng nữa, đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại gắn liền tên tuổi ông, kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường (19/5/1959 – 19/5/2019).

Phát biểu tại lễ trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (ngày 6/12/2018), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Tên tuổi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với con đường Hồ Chí Minh lịch sử. Dù ở trên cương vị một vị tướng hay người lãnh đạo trong thời bình, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn có tác phong quyết đoán, gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, phát huy trí tuệ tập thể.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên và đường Hồ Chí Minh huyền thoại ảnh 1Lễ trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: TTXVN
Quyết định lịch sử

Tháng 1/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, họp tại Hà Nội, xác định: “Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng”.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên và đường Hồ Chí Minh huyền thoại ảnh 2

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Tổng Quân ủy Trung ương, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng chính quy, từng bước hiện đại trên miền Bắc, Bác Hồ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến đường chiến lược vận tải quân sự từ miền Bắc xuyên qua dãy núi Trường Sơn trùng điệp và hùng vĩ để chi viện binh lực cho cách mạng miền Nam.

Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân uỷ triệu tập Ban cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5, tổ chức đảm bảo cho 500 cán bộ hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực.

Ra đời tháng 5 năm 1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559; ngày 19/5/1959 là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỳ tích đường Hồ Chí Minh

Năm 1967, ông Đồng Sỹ Nguyên được Bộ Quốc phòng điều vào làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559. Thời điểm đó bộ đội Việt Nam gặp vô cùng khó khăn. Xe bị bắn cháy liên tục, đường ra mặt trận bị san phẳng, nguy cơ bị địch bắn phá tuyến đường chi viện có thể xảy đến bất cứ thời điểm nào.

Có mặt tại Trường Sơn, ông nhanh chóng nắm bắt được tình hình và tìm cách giải bài toán trên một cách nhanh nhất. Và những “lời giải” đã chứng minh ông là một trong những thiên tài thao lược quân sự thời bấy giờ.

Theo đó, thay vì chịu trận giữ bí mật an toàn, bộ đội ta đưa cao xạ phòng không vào đối chiến. Địch dùng B52, ta đưa thơ văn nhạc họa vào Trường Sơn. Địch rải chất độc thiêu trụi cây rừng, ta trồng cây ngụy trang đường ra phía trước.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong hai người cho đến nay được Nhà nước đặc cách phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, do những thành tích to lớn có ý nghĩa chiến lược trên cương vị Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, góp phần vào chiến thắng mùa xuân năm 1975.

Ngày 19 tháng 5 năm 1973, ông Đồng Sỹ Nguyên ra Hà Nội báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng kế hoạch xây dựng cơ bản đường Trường Sơn: Đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn là đường xuyên Bắc - Nam, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, dài 1.200km, nền đường 9m, mặt đường 7m, xe cơ giới vận chuyển 2 mùa. Đường Đông Trường Sơn cải tạo nâng cấp hai trục, lực lượng tham gia trên 47 nghìn người, có hơn 10 nghìn thanh niên xung phong.

Chiến trường Trường Sơn lúc này là một công trường xây dựng khổng lồ, gần chục vạn con người, hàng vạn máy móc thiết bị, xe đa dụng trên cả đường “kín”, đường “hở” suốt ban ngày. Tháng 1 năm 1974, toàn tuyến chuyển giao cho Nam Bộ trên 8.000 tấn vật chất.

Hệ thống đường giao liên từ 52 trạm ban đầu, lên tới 67 trạm vào năm 1966, 76 trạm vào năm 1970 và 15 trạm cơ giới năm 1972. Từ năm 1973 đến 1975, bỏ hẳn giao liên bộ, thay thế bằng các Trung đoàn giao liên cơ giới.

Trên các tuyến đường Trường Sơn, có hàng chục binh trạm, hàng trăm bến bãi, hàng nghìn nơi giấu quân, giấu xe, giấu hàng. Ở những nơi đó có các lực lượng giao liên, thanh niên xung phong, công binh mở đường.

Lực lượng phòng không, thông tin, bảo vệ có khả năng hiệp đồng chiến đấu đảm bảo tuyến đường vận tải thông suốt, bất chấp cuộc chiến tranh ngăn chặn ngày càng ác liệt của không quân Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó là Macnamara thừa nhận: “Mọi người vẫn thấy một khối lượng lớn người và của vẫn tuôn chảy từ miền Bắc vào miền Nam, thế nhưng không thể làm thế nào ngăn chặn được nó”.

Việc Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh ngăn chặn đường Hồ Chí Minh khiến cả thế giới coi đây như một con đường bất tử. Học giả Đích Van-gây (Mỹ) khẳng định: “Đối với đường mòn Hồ Chí Minh, muốn chiếm được nó phải chiếm đóng mỗi mi-li-mét vuông của Lào, Campuchia và cả miền Bắc cũng như miền Nam Việt Nam”.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên và đường Hồ Chí Minh huyền thoại ảnh 3Tuyến đường Hồ Chí Minh
 

Những con số biết nói

Đường Hồ Chí Minh là biểu tượng đỉnh cao của tinh thần yêu nước và ý chí sắt đá, kiên trung, bất khuất, không chịu khuất phục kẻ thù của người Việt Nam ở thế kỷ XX.

- Bộ đội Việt Nam hành quân trên tuyến đường Hồ Chí Minh phải vượt qua chặng đường dài trên 1.500 km. Thời gian đầu hoàn toàn hành quân bộ, mỗi ngày đi một đoạn đường từ trạm giao liên này tới trạm giao liên tiếp theo.

- Nếu bộ đội hành quân bộ vào chiến trường B2 mất hơn ba tháng, nếu vào chiến trường Nam Bộ, đến Bù Gia Mập (nay thuộc tỉnh Bình Phước) - điểm cuối cùng của con đường mòn thì hết khoảng 5 tháng.

-  Có 4 triệu tấn bom, đạn Mỹ trút xuống Đường Trường Sơn.

- Từ 19/5/1959 đến 30/4/1975, có trên 23 ngàn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, hơn 32 ngàn người bị thương trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Ai đã một lần có mặt ở Trường Sơn, hẳn sẽ phần nào hiểu rõ sự hi sinh mất mát và sức chịu đựng phi thường của một dân tộc ra trận để cho ngày chiến thắng. Văn bia Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có đoạn: “Năm tháng sẽ qua đi nhưng sự đóng góp của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt”, Đại tá, TS Vũ Tang Bồng.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên và đường Hồ Chí Minh huyền thoại ảnh 4

Trong bài viết  nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ (28/8/1945 – 28/8/2015), ông Trường Sơn, người được phân công nhiệm vụ lái xe cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (từ năm 1995) nhớ lại: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn dành tình cảm đặc biệt đối với những đồng đội đã hy sinh; mỗi lần đi công tác ngang qua nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Trung tướng luôn rẽ vào thắp hương và đứng lặng trước các ngôi mộ...Tôi chắc chắn ký ức về một thời đang hiện về trong ông.

Ông kể cho chúng tôi: “Trước khi kết thúc chiến tranh, tôi đã cất công đi tìm một mảnh đất thật đẹp, có hồ nước, có đồi cây bát ngát để làm nơi yên nghỉ cho những đồng đội của mình; nó phải như một công viên sao cho người già, trẻ em có thể vào đây dạo chơi, tưởng nhớ tới các anh…và nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ngày nay được hình thành như thế đó”.

Đồng Sỹ Nguyên - Vị tướng kiệt xuất thời chiến, nhà lãnh đạo quyết đoán thời bình

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ngày 1 tháng 3 năm 1923, tại thôn Trung, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Tên bố mẹ đặt là Nguyễn Hữu Vũ; sau vài lần thay tên đổi họ cho dễ hoạt động cách mạng thời bí mật ở vùng địch hậu, có tên là Đồng Sỹ Nguyên.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1938 và một năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông là phái viên Bộ Tổng Tư lệnh. Giai đoạn 1954 - 1955 ông phụ trách công tác trao trả tù binh chiến tranh. Sau đó, ông giữ nhiều chức vụ như: Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Chính uỷ Quân khu IV; Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1975); Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế - Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh kiêm chính ủy Quân khu Thủ đô.

Từ năm 1982, ông làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ...

Từ 2011 đến khi từ trần, ông là Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá IV; Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị khoá V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; đại biểu Quốc hội khoá I, VI, VII, VIII.

Ông được tặng thưởng Huân chương Sao vàng và huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. 

Tướng Đồng Sỹ Nguyên và đường Hồ Chí Minh huyền thoại ảnh 5

Tài liệu tham khảo: Lịch sử QĐND Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; Báo Chính phủ; Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh; Ký ức đường Trường Sơn - Nhà xuất bản Trẻ & Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân- 2004.