Theo võ sư Trần Xuân Mẫn - Võ đường Kỳ Sơn (Hội An, Quảng Nam): Roi trường ra đời gắn liền với các khoa thi võ ở kỳ chung kết, sau đó là các kỳ thi đấu để phong chức cho võ quan. Thi đấu roi trường được tổ chức đến đời vua Bảo Đại và không còn là loại hình thi đấu khoa bảng mà đã trở thành một trò chơi thể thao vào các ngày lễ lớn của quốc gia. Tuy nhiên, trò chơi này đã thất truyền.
Năm 2010, dựa vào một số tư liệu ghi chép ít ỏi, phỏng theo lời kể lúc sinh thời của một số võ sư quá cố và nghiên cứu chất liệu, hình dáng, kích cỡ của cặp roi trường có từ cuối thế kỷ 19 (lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử huyện Điện Bàn - Quảng Nam), các võ sư Hoàng Tùng (Bình Định), Trần Xuân Mẫn và Huỳnh Tiến Lập (Quảng Nam) đã lập một nhóm nghiên cứu tìm cách phục chế roi trường và thi đấu roi trường.
Tháng 11 -2010, học viện Võ thuật Tây Sơn tổ chức Hội thảo phục chế roi đấu kháng tại Bảo tàng Quang Trung, Bình Định với nội dung trọng tâm là khôi phục roi trường. Gần 30 nhà nghiên cứu võ cổ truyền và võ sư của các tỉnh Bình Định, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Quảng Nam, trong đó có những lão võ sư danh tiếng như Phan Thọ, Ngô Bông, Lý Xuân Hỷ... đã trực tiếp thị phạm các thủ pháp đặc trưng của thi đấu roi trường và đóng góp nhiều ý kiến làm sáng tỏ những vấn đề giúp cho việc khôi phục thi đấu roi trường thuận lợi hơn.
Theo nhóm nghiên cứu này thì loại hình thi đấu roi trường có thể khôi phục và phát huy theo hai hình thức: Tổ chức các Giải thi đấu roi trường, trao huy chương, tranh thứ bậc, có hình thức vừa truyền thống vừa hiện đại. Tổ chức các sân chơi thi đấu roi trường ở các tụ điểm đường phố, khu thiết chế văn hoá như một trò chơi dân gian để khán giả có thể tham gia cùng nhau thi đấu.
Với hình thức tổ chức này, từng cặp đấu sĩ trong trang phục binh lính xưa, cầm những chiếc roi dài trên 3 mét, di chuyển trong một vòng tròn được vẽ dưới sân và sử dụng những miếng, mẹo, đòn thế lắt léo, tìm cách ghi điểm.
Roi trường lần đầu tiên thi đấu là vào dịp tết Tân Mão tại phố cổ Hội An và TP Đà Nẵng, khiến người xem thích thú. Luật chơi rất đơn giản: Đâm trúng thân đối phương 1 điểm; Đâm trúng đầu đối phương 2 điểm; Câu chân làm đối phương nhảy lò cò 3 điểm; Câu chân hoặc đâm làm đối phương bị ngã 4 điểm; Câu roi rời khỏi một tay đối phương 5 điểm và Câu roi rời khỏi hai tay đối phương sẽ thắng tuyệt đối. Mỗi cuộc đấu của một cặp đấu sĩ diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 2 phút, giữa 2 hiệp được nghỉ 15 giây. Hết cả 3 hiệp đấu, nếu không có đấu sĩ nào thắng tuyệt đối thì Ban tổ chức căn cứ tổng số điểm của hai đấu sĩ để xác định đấu sĩ thắng cuộc và trao giải thưởng.
Võ sư Trần Xuân Mẫn cho biết thêm: Hiện nay, trò chơi này đã được đưa vào chương trình biểu diễn võ thuật của các Đêm Phố cổ Hội An (tối 14 âm lịch hằng tháng). Rất mừng là từ một loại hình thi đấu đến trò chơi dân gian, roi trường đang thực sự sống lại và chắc chắn sẽ được phát triển bền vững.
Roi trường là loại roi có chiều dài từ 3 m - 3,5 m, có phần gốc tròn đường kính khoảng 3 cm, nhỏ dần lên phần ngọn đường kính chỉ còn khoảng 2 cm Những thủ pháp cơ bản trong đấu roi trường là đâm, bắt, lắc, tém, câu... không có các đòn quơ, phang ngang, phang xéo hoặc bổ xuống. Roi trường được làm bằng gỗ kiền kiền con, nguyên cây từ gốc lên ngọn. |