Hồi sinh từ bệnh hiểm nghèo

Hồi sinh từ bệnh hiểm nghèo
TP - Họ là những người mắc bệnh hiểm nghèo về máu, từng được ghép tế bào gốc (TBG) tại Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương để trở về với cuộc sống đời thường. Qua chuyện chữa bệnh của một số trường hợp điển hình, có thể thấy được hiệu quả của việc ghép TBG tạo máu, một trong mười thành tựu y học nổi bật của nước ta trong 5 năm gần đây.

> Cháu bé mắc bệnh suy tủy cần giúp đỡ

Tôi gặp chị Lại Thị Hạnh, một giáo viên tiểu học vừa từ huyện Krông Păk (Gia Lai) trở lại Viện Huyết học & Truyền máu TƯ để kiểm tra định kỳ sau khi được ghép TBG. Cách đây hơn một năm, ở tuổi 53, chị Hạnh bỗng thấy xương thường xuyên đau nhói như bị nhiều mũi khoan đâm.

Chị lên bệnh viện tỉnh, rồi vào TP Hồ Chí Minh để khám nhưng không phát hiện ra bệnh. Bệnh trở nặng nhanh khiến chị thường xuyên phải nằm, cố gắng lắm cũng chỉ đi lại được trong nhà.

Ra Hà Nội chữa bệnh, chị Hạnh vào một bệnh viện lớn để khám, được chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm. Điều trị tại viện một thời gian nhưng bệnh tiến triển không đáng kể.

Về nhà một thời gian, xương lại đau như cũ khiến chị đành trở lại bệnh viện cũ để mổ. Bệnh nhân được xác định đúng là có bệnh thoát vị đĩa đệm, nhưng nay đã khỏi nên không cần phải mổ.

Tuy nhiên, vị bác sĩ khám cho chị cũng chẩn đoán, cơn đau của chị Hạnh là do một căn bệnh khác, khả năng liên quan đến máu và tủy xương.

Chị Hạnh được giới thiệu đến Viện Huyết học Truyền máu T.Ư để khám. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ của Viện xác định bệnh nhân bị bệnh đa u tủy xương, có thể ghép TBG tạo máu bằng phương pháp tự thân.

Trong quá trình ghép, sau khi dùng thuốc hóa chất liều cao để diệt các tế bào ác tính, TBG sẽ được truyền vào tĩnh mạch như truyền máu. Các TBG sẽ đi vào tận tủy xương sinh ra các tế bào máu bình thường giúp cơ thể hồi phục sau qua trình hóa trị.

“Tôi ghép TBG đến nay được gần 1 năm. Sau khi ghép xong, xương không còn đau nhức, sức khỏe dần hồi phục. Tuy nhiên theo quy định (trước kia 1 tháng/lần, gần đây 2 tháng/lần), tôi trở lại viện để kiểm tra định kỳ, một thời gian nữa sẽ dừng hẳn”- chị Hạnh cho biết.

Vượt qua hiểm nghèo

Hiện bệnh nhân Nguyễn Thế Hưng (30 tuổi, trú tại thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đã khỏi bệnh và trở lại với công việc giảng dạy tại một trường cao đẳng ở Vĩnh Phúc.

Đầu năm 2011, Hưng bị xuất huyết ngoài da và chảy máu chân răng. Khổ nhất những khi giảng bài, cứ 15 phút anh lại phải ra ngoài để nhổ một lượng máu ứ trong miệng. Đến bệnh viện tỉnh khám, Hưng sốc khi biết mình bị suy tủy.

Anh mới lập gia đình, vợ đang mang thai. Đến Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư khám, anh được tư vấn cần ghép TBG đồng loại.

Đây là phương pháp phức tạp hơn ghép TBG tự thân, mà điều kiện đầu tiên là phải tìm ra người hiến TBG (phải là anh chị em ruột) có chỉ số HLA (xét nghiệm TBG trong máu) phù hợp với mình.

Hưng có em trai và em gái, cả hai đều sẵn sàng hiến TBG cho anh. Sau khi em gái thử không được, đến em trai thì phù hợp. Tuy nhiên, để phòng rủi ro (dù tỷ lệ khá nhỏ), Hưng chờ đến khi con đầy tháng mới tiến hành ghép TBG vào tháng 7-2011.

Đối với người hiến, bệnh viện sử dụng một loại thuốc kích thích tế bào sinh máu trong vài ngày để sinh TBG. Sau đó, dùng một loại máy đặc biệt có hệ thống ly tâm tách riêng để lấy TBG, còn các thành phần có trong máu khác lại quay lại cơ thể.

Với phương pháp này, người hiến TBG không bị đau, không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Đến lượt Hưng, khi được truyền TBG sẽ lưu thông khắp hệ thống mạch máu đến tủy xương, đồng thời sinh ra tế bào mới và xây dựng lại hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Khoảng chục ngày sau, khi xét nghiệm thấy các chỉ số phát triển tốt, Hưng như được hồi sinh. “Ra viện được 1 tháng tôi đã đi làm. Nhà cách trường 4 cây số, hằng ngày tôi vẫn đi về bình thường. Khoảng 2 năm nữa, vợ chồng tôi sẽ sinh con thứ hai”- Hưng nói.

Bệnh nhân Trịnh Thị Thanh Lợi (38 tuổi, trú tại TP Hải Phòng) từng tuyệt vọng khi biết mình bị suy tủy. Nhập Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư tháng 1-2012, ban đầu chị Lợi được điều trị bằng truyền máu, và gần như đóng đô tại viện vì phải tiếp máu liên tục.

Thấy việc điều trị này không ổn, bệnh nhân được chỉ định ghép TBG đồng loại. Sau khi thử, người có thể cho là anh trai của Lợi, hiện đang định cư tại Đức đã về nước để sẵn sàng hiến TBG cho em gái.

Chị Lợi cho biết: “Tháng 4 vừa qua được truyền TBG, thấy các chỉ số bắt đầu lên thì cũng là lúc tôi cảm thấy cơ thể mình được hồi sinh lần hai. Hiện tôi đã bình phục và đi làm”.

Hai bệnh nhân Vũ Anh Tuấn (31 tuổi, quê Thái Bình) và Trịnh Văn Hoàn (34 tuổi, quê Ninh Bình) cũng được hồi sinh khá kỳ diệu. Cách đây hơn 3 năm, Tuấn được chẩn đoán bị Lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt, từng điều trị hóa trị liệu nhưng bệnh không thuyên giảm.

Khi được chỉ định ghép TBG đồng loại, cả chị và em gái Tuấn cùng thử TBG một lúc. Họ cho rằng nếu thử lần lượt thì phải chờ tới 10 ngày mới có kết quả, nên cả hai cùng thử để được ai thì sử dụng luôn. Kết quả chị của Tuấn đã phù hợp để cho TBG.

Còn bệnh nhân Trịnh Văn Hoàn bị suy tủy xương mức độ nặng, cũng được anh trai cho TBG. Tuấn cho biết: “Sau khi được ghép TBG đồng loại, cuối năm 2011 vừa qua cả hai xuất viện cùng ngày, được Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư tổ chức lễ chia tay khiến chúng tôi rất cảm động”. Hiện cả hai đều trở lại công việc bình thường.

Cứu cánh chữa bệnh ác tính về máu

Bệnh nhân Lại Thị Hạnh điều trị tại Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư Ảnh: K.N
Bệnh nhân Lại Thị Hạnh điều trị tại Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư.  Ảnh: K.N .
 

Bữa tôi trở lại Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư tiếp tục làm việc, được biết bệnh nhân Hoàng Thị Diệu Thuần vừa ghép TBG đồng loại hôm trước, hiện đang điều trị trong phòng cách ly.

Diệu Thuần là cô gái 7 năm nay phải chống chọi với căn bệnh ung thư máu, tác giả cuốn tự truyện Như hoa hướng dương gây xúc động cho nhiều bạn đọc thời gian qua.

Trước đó, một nhà văn Israel khi biết chuyện đã liên hệ để Thuần có thể sang Israel ghép TBG hoặc gọi tài trợ cho cô chữa bệnh. Cuối cùng, giải pháp thứ hai được khả thi và gia đình Thuần đề nghị được ghép TBG tại Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư. Thạc sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép TBG cho biết: Trường hợp của Thuần ghép TBG sau 1 năm phát bệnh là tốt nhất, nhưng sau khi hội chẩn và tham khảo thêm ý kiến chuyên gia, viện quyết định ghép cho Thuần.

Sau khi thử, anh trai Thuần có thể hiến TBG, nhưng không phù hợp hoàn toàn (trùng 5/6 bộ gen), trong khi Thuần lại nhiễm viêm gan C gây ảnh hưởng đến việc ghép TBG.

Tuy nhiên việc ghép TBG cho Thuần phải tiến hành nếu không khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Viện đã thông báo việc này với Thuần, với gia đình để hiểu rõ vấn đề. Sau khi ghép, thể trạng Thuần đã ổn dần, nhưng cần được tiếp tục theo dõi.

Qua việc ghép TBG của các bệnh nhân, Ths. Võ Thị Thanh Bình cho biết: TBG tạo máu là loại tế bào có thể thấy ở tủy xương và máu ngoại vi với một số lượng rất ít.

Đối với bệnh ung thư, đa hóa trị liệu và xạ trị là những biện pháp hiệu quả nhất thường được dùng, nhưng việc làm này không chỉ diệt các tế bào bệnh mà còn diệt cả tế bào lành của người bệnh.

Hậu quả sẽ có rất nhiều tế bào bình thường như TBG cũng bị diệt trong quá trình điều trị.

Do vậy, việc ghép TBG sẽ giúp bệnh nhân sản xuất ra các tế bào máu mới, thay thế các tế bào bị phá hủy trong quá trình điều trị hóa chất và tia xạ, là cứu cánh để chữa trị cho những bệnh nhân bị bệnh ác tính về máu.

Tại Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư, mỗi ca ghép tế bào gốc (TBG) tự thân hết khoảng 120-150 triệu đồng, trong đó bảo hiểm y tế chi trả cho khoảng 50%; mỗi ca ghép TBG đồng loại chi phí hết 500-600 triệu đồng, bảo hiểm y tế chi trả trên 60%, phần còn lại thuộc về người bệnh. Trong khi đó, mỗi ca ghép TBG tự thân ở nước ngoài phải trả từ 50-100 ngàn USD, chưa kể kinh phí đi lại và người nhà đi chăm sóc.

Từ năm 2006 đến nay, Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư tiến hành ghép trên 50 ca ghép TBG tự thân và đồng loại. Các bệnh nhân sau khi ghép hiện vẫn ổn định, trở lại với cuộc sống bình thường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG