Hồi sinh những rạn san hô ở Cát Bà

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các rạn san hô tại Cát Bà, Hải Phòng liên tục suy giảm cả về độ phủ, diện tích và số lượng loài trong khoảng 15 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực của các đơn vị bảo tồn và chuyên gia, rạn san hô tại Cát Bà đã có dấu hiệu phát triển trở lại.

Thực trạng đáng lo ngại

Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu (GCRMN) nhận định, giá trị kinh tế toàn cầu của các rạn san hô liên quan đến hàng hóa và dịch vụ ước tính đạt khoảng 2.700 tỷ USD mỗi năm gồm cả du lịch và bảo vệ bờ biển.

Rạn san hô là nơi sinh sống của khoảng 25% tổng số sinh vật biển. Các rạn san hô cũng rất quan trọng với vai trò bảo vệ bờ biển, giảm thiểu tác động của sóng khi bão, cung cấp môi trường sống và nơi trú ẩn cho hàng trăm sinh vật. Điều này cũng giúp đảm bảo nguồn lợi thủy sản cho hoạt động đánh bắt, thu hút khách du lịch, cung cấp việc làm và tăng trưởng kinh tế cho ngành du lịch...

 Hồi sinh những rạn san hô ở Cát Bà ảnh 1

San hô là loại có giá trị kinh tế cao nhưng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn. Ảnh: T.H

Tuy nhiên, theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), 44% các loài san hô trên toàn cầu đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân chính là do sự tẩy trắng hằng năm, hiện tượng nước biển nóng lên, ô nhiễm môi trường gia tăng, hoạt động khai thác hải sản không bền vững và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Tổng diện tích rạn san hô ở vùng biển Việt Nam khoảng trên 13.000 ha với bốn vùng phân bố chính: Vùng san hô quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; vùng san hô ven biển miền Trung và các đảo Đông Nam bộ; vùng san hô phía tây vịnh Bắc Bộ và vùng san hô biển Tây Nam bộ. Việt Nam hiện đang tập trung khoảng 340 loài san hô trong tổng số 800 loài của thế giới.

San hô Việt Nam cũng chịu những tác động tương tự. Tại Cát Bà, những rạn san hô liên tục suy giảm cả về độ phủ, diện tích và số lượng loài trong khoảng 15 năm trở lại đây.

Theo ông Đào Ngọc Hiếu - Trưởng phòng tổ chức hành chính Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà cho hay: “Nguyên nhân san hô Cát Bà bị suy giảm là do vùng biển liên tục chịu tác động của sự phát triển kinh tế, phát triển các dịch vụ du lịch, đặc biệt là hoạt động nuôi trồng thủy sản tràn lan, không theo quy hoạch. Tình trạng khai thác quá mức và khai thác bằng những hình thức hủy diệt như mìn, điện đã làm nguồn lợi tự nhiên suy giảm nhanh chóng. Điều này gây sức ép rất lớn đến môi trường và hệ sinh thái rạn san hô ở khu vực Cát Bà. Bên cạnh đó, vì đặc trưng loài có khả năng tự phục hồi rất chậm, dẫn đến diện tích phân bố của các rạn san hô tại đây bị suy giảm nhanh chóng".

Tín hiệu tích cực

Nhằm hạn chế sự suy giảm san hô tại Cát Bà, IUCN phối hợp với Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên & Môi Trường (Isponre), VQG Cát Bà, Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) tiến hành khảo sát, giám sát các rạn san hô tại VQG Cát Bà trong nhiều năm. Từ đó đề ra biện pháp quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô.

 Hồi sinh những rạn san hô ở Cát Bà ảnh 2

VQG Cát Bà đã tiến hành khảo sát, giám sát rạn san hô trong nhiều năm.

VQG Cát Bà đã bắt đầu tiến hành giám sát rạn san hô trong khu vực từ năm 2021. Qua 2 năm thực hiện giám sát tại 3 khu vực (Vạn Tà, Ba Đình, Giỏ Cùng), kết quả cho thấy độ phủ trung bình của các rạn san hô đều tăng, nhưng tăng trưởng chậm, thành phần loài san hô có độ đa dạng thấp. Hiện tượng tẩy trắng san hô theo mùa, xuất hiện rải rác trên một số loài san hô.

Các chuyên gia đã xác định được tổng số 37 loài san hô thuộc 9 họ tại cả ba khu vực giám sát. Trong đó họ Faviidae chiếm ưu thế nhất với 9 loài, tiếp theo là họ Poritidae với 6 loài, còn các họ khác có từ 2-4 loài.

Nguyên nhân tác động chủ yếu đến rạn san hô là hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, đánh cá bằng phương thức hủy diệt, hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái biển.

Dựa trên kết quả giám sát, VQG Cát Bà đã đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô khu vực này, bao gồm thiết lập hệ thống phao phân vùng bảo vệ, cảnh báo bảo vệ rạn san hô.

 Hồi sinh những rạn san hô ở Cát Bà ảnh 3
Hoạt động thả phao phân vùng sinh thái rạn san hô tại Cát Bà. Ảnh: T.H

Từ năm 2023 - 2024, IUCN thông qua VB4E tiếp tục hỗ trợ VQG Cát Bà thiết lập hệ thống phao neo phân vùng sinh thái rạn san hô tại một số khu vực có phân bố rạn san hô còn tốt cần được bảo vệ như khu vực Vạn Tà, Ba Đình, Giỏ Cùng và Cát Dứa. Trong hai năm, 23 quả phao đã được thả tại khu vực nói trên với với gần 34 ha mặt biển được khoanh vùng quản lý bảo vệ, trong đó có phân bố các rạn san hô.

Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc VQG Cát Bà cho biết: “Việc thả phao phân vùng sinh thái rạn san hô đã góp phần xác định rõ các khu vực phân bố của rạn san hô; giúp các phương tiện khai thác thủy sản, dịch vụ du lịch có thể xác định được ranh giới vùng bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô và tránh đi lại trong khu vực này; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuần tra, kiểm tra và tăng cường thực thi pháp luật, xử lý vi phạm”.

 Hồi sinh những rạn san hô ở Cát Bà ảnh 4

San hô cành đang có dấu hiệu phát triển tốt tại Cát Bà. Ảnh: T.H

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Ngải, Viện phó Viện Tài nguyên và Môi trường biển nhận định: “Những chiếc phao thả khoanh vùng được coi như một biển báo cấm trên biển, giúp giữ cho các rạn san hô tránh xa khỏi tác động của con người. Qua một thời gian thả phao, đã xuất hiện một số tín hiệu tốt trong việc hồi sinh rạn san hô Cát Bà. Trước đây, tại khu vực Cát Bà, tỷ lệ san hô khối nhiều, tỷ lệ san hô cành rất ít. San hô cành có tốc độ phát triển rất nhanh và cuốn hút được nhiều loài sinh vật đến trú ngụ hơn, đồng thời tạo được cảnh quan đẹp dưới biển. Sau khi thả phao, số lượng san hô cành tăng lên rất nhiều, tốc độ phát triển nhanh hơn, tạo độ phủ cao hơn, mở rộng diện tích rạn san hô tại khu vực. Bên cạnh đó, Viện cũng đã tiến hành thử nuôi cấy một số loài san hô tại khu vực, cho thấy tín hiệu rất khả quan".

Theo ông Ngải: "Việc quan trọng nhất để bảo vệ rạn san hô là giúp chúng tránh xa tác động của con người. Vì thế, việc thả phao khoanh vùng rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, số lượng phao như hiện tại là rất ít, chỉ 50-100 cái, không thể bảo vệ hết được san hô tại VQG. Vì thế, thời gian tới VQG cần phối hợp với các tổ chức tiếp tục khoanh vùng hết các rạn san hô, đồng thời tìm ra giải pháp giảm tối đa tác động của sóng biển đến rạn san hô".

MỚI - NÓNG
'Vấn nạn' xe khách trá hình Hà Nội: Phố dài 900 mét có 11 văn phòng nhà xe bị đề nghị rút giấy phép
'Vấn nạn' xe khách trá hình Hà Nội: Phố dài 900 mét có 11 văn phòng nhà xe bị đề nghị rút giấy phép
TPO - Sau khi kiểm tra xác định các văn phòng nhà xe hợp đồng đang hoạt động trá hình, công an một số quận trên địa bàn Hà Nội thống nhất đề nghị rút giấy phép. Trong số này có tuyến phố chỉ dài 900 mét nhưng có đến 11 văn phòng nhà xe bị đề nghị rút giấy phép hoạt động.