KHÁNH HÒA:

Bảo vệ hệ rạn san hô biển Nha Trang cần thực hiện liên tục, dài hạn

TPO - Sau gần 2 năm triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, hệ sinh thái san hô xung quanh khu vực biển Hòn Mun (vịnh Nha Trang, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã có dấu hiệu phục hồi. Báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Hải Vân - Phó Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, về những nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô và các giải pháp bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rạn san hô ở vịnh Nha Trang.

Thưa ông, thời gian qua Ban quản lý vịnh Nha Trang (BQL vịnh Nha Trang) đã thực hiện những biện pháp cụ thể nào để bảo vệ, phục hồi rạn san hô ở vịnh Nha Trang? Ông đánh giá thế nào về kết quả đã đạt được?

Ông Đàm Hải Vân: Triển khai Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 của UBND tỉnh Khánh Hòa, BQL vịnh Nha Trang đã thường xuyên việc tổ chức kiểm tra, giám sát hệ sinh thái rạn san hô, bắt sao biển gai và nhặt rác ở đáy biển Hòn Mun. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân, du khách không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Đặc biệt, từ cuối tháng 6/2022, UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính trong vùng nước đảo Hòn Mun, bố trí điểm lặn tạm thời khu vực đông bắc Hòn Rơm với số lượng khách hạn chế. Nha Trang cũng đã cho di dời đầm đăng Lam Dự của Hợp tác xã Đoàn Kết ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun.

Bảo vệ hệ rạn san hô biển Nha Trang cần thực hiện liên tục, dài hạn ảnh 1
Rạn san hô khu vực Hòn Chồng đang phục hồi rất tốt. Nguồn: BQL vịnh Nha Trang.

Riêng ở khu vực Hòn Chồng, từ tháng 11/2022, BQL vịnh Nha Trang đã thành lập tổ công tác tuần tra và tuyên truyền bảo vệ hệ sinh thái biển khu vực Hòn Chồng. Trong gần 2 năm qua, tổ công tác đã tổ chức 55 buổi tuần tra và tuyên truyền tại hiện trường, nhắc nhở hơn 100 trường hợp người dân lội xuống vùng rạn san hô, thu giữ 5kg thủy sản người dân và du khách bắt để thả xuống biển… Hiện thành phố cũng đã giao BQL vịnh Nha Trang tiến hành các bước để thực hiện dự án “Lắp đặt giàn phao phân vùng, bảng hiệu tuyên truyền và camera giám sát, bảo vệ rạn san hô Hòn Mun và Hòn Chồng”.

Việc triển khai các giải pháp trên đã đem lại hiệu quả bước đầu. Qua khảo sát của BQL vịnh Nha Trang, lượng rác thải ở Hòn Mun đã giảm nhiều so với các năm trước, hệ sinh thái rạn san hô xung quanh Hòn Mun đang có dấu hiệu phục hồi. Độ che phủ của san hô ở đây dao động từ 30% - 50%. Riêng khu vực Hòn Chồng, hiện có khoảng 4ha rạn san hô đang phục hồi, phát triển rất đẹp và các loài cá rạn cũng đã xuất hiện khá nhiều tại vùng biển này.

Là một trong hai đơn vị được giao chủ trì thực hiện 10/16 nhiệm vụ của Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, BQL vịnh Nha Trang đã gặp những khó khăn, vướng mắc gì?

Ông Đàm Hải Vân: Mặc dù cả nước đã quy hoạch được hệ thống gồm 16 khu bảo tồn biển, nhưng chưa có quy định chung rõ ràng về chính sách, cơ chế trong công tác quản lý bảo tồn biển. Điều này gây nhiều khó khăn khi áp dụng thực hiện tại từng địa phương. Biên chế con người ra sao, kinh phí ở đâu để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn biển? Kế hoạch quản lý chung trong hoạt động bảo tồn biển có xây dựng nhưng chưa được phê duyệt. Khi kế hoạch này được phê duyệt thì các đơn vị liên quan mới có cơ sở để thực hiện nhiệm vụ.

Bảo vệ hệ rạn san hô biển Nha Trang cần thực hiện liên tục, dài hạn ảnh 2
BQL vịnh Nha Trang tổ chức bắt sao biển và nhặt rác ở đáy biển Khu vực bảo tồn biển Hòn Mun. Nguồn: BQL vịnh Nha Trang.

Riêng đối với BQL vịnh Nha Trang, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ trong kế hoạch bảo tồn biển còn thiếu, hạn chế về kinh nghiệm và phần lớn chưa được đào tạo bài bản về công tác bảo tồn biển. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí bền vững cho khu bảo tồn biển bị thiếu. Việc bảo tồn và quản lý các khu bảo tồn biển đòi hỏi nguồn lực và kinh phí rất lớn. Kinh phí dành cho công tác quản lý, nhân sự, nghiên cứu khoa học và sinh kế cho người dân khi khoanh vùng bảo tồn. Ngân sách từ hoạt động thu phí, giá không đủ để đảm bảo các hoạt động chi thường xuyên của BQL vịnh Nha Trang dành cho công tác bảo tồn biển

Hiện BQL vịnh Nha Trang đã có hợp tác với các tổ chức nào trong việc bảo vệ rạn san hô? Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch hợp tác này?

Ông Đàm Hải Vân: Từ tháng 11/2022 - 6/2023, BQL vịnh Nha Trang phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã khảo sát rạn san hô tại các khu vực biển trong vịnh Nha Trang và thực hiện giám sát hệ sinh thái rạn san hô Hòn Chồng. Ngoài ra, BQL cũng đã phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang và các doanh nghiệp thực hiện một số đề tài khoa học về: Nghiên cứu phân vùng chức năng Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang; kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang, trồng phục hồi rạn san hô, rừng ngập mặn để chống xói mòn trong vịnh Nha Trang…

Bảo vệ hệ rạn san hô biển Nha Trang cần thực hiện liên tục, dài hạn ảnh 3
BQL vịnh Nha Trang phối hợp với một số đơn vị tổ chức dọn rác bờ biển ở khu vực vịnh Nha Trang. Nguồn: BQL vịnh Nha Trang.

BQL vịnh Nha Trang có kế hoạch gì để duy trì và phát triển bền vững hệ sinh thái rạn san hô trong tương lai?

Ông Đàm Hải Vân: Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là đưa ra các giải pháp xuyên suốt và mang tính dài hơi về công tác quản lý, bảo vệ hiệu quả những vùng nước đã được đưa vào quy hoạch bảo tồn biển. Khi môi trường được bảo vệ tốt sẽ tạo điều kiện cho các rạn san hô và tất cả các loài khác trong hệ sinh thái biển được phục hồi tự nhiên.

Cụ thể, BQL vịnh Nha Trang phối hợp với đội công tác liên ngành tiếp tục tăng cường tuần tra, cương quyết xử lý các hoạt động có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến vịnh Nha Trang. Chúng tôi xác định công tác tuyên truyền vận động để nâng cao ý thức của người dân, tạo sự đồng thuận chung của cộng đồng, của doanh nghiệp, của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, phục hồi môi trường sinh thái biển vịnh Nha Trang là nhiệm vụ quan trọng, liên tục.

Bảo vệ hệ rạn san hô biển Nha Trang cần thực hiện liên tục, dài hạn ảnh 4

Rùa biển xuất hiện tại khu vực biển Hòn Mun vào đầu tháng 10. Nguồn: BQL vịnh Nha Trang.

Bên cạnh đó, vừa qua BQL vịnh Nha Trang cũng đã có đề xuất đề tài “Nghiên cứu sức tải khu vực Hòn Mun” với về việc cần có quy định số lượng khách lặn trong một ngày như thế nào là phù hợp để không tác động lên hệ sinh thái biển. Điểm tổ chức hoạt động lặn biển thì cần có quy định về khoảng thời gian nghỉ không đón khách lặn trong năm, trong tháng để hệ sinh thái biển có thời gian phục hồi. Ngoài ra, BQL cũng xây dựng các kế hoạch bảo vệ hệ sinh thái ven sông, ven bờ như trồng dọn rác thường xuyên, trồng cây ngập mặn để đảm bảo bãi đẻ, bãi giống cho các loại thủy sản.

Trân trọng cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG