Ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì chương trình Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được tổ chức tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. Cùng dự hội nghị có các Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang được xem là vùng kinh tế động lực cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đi đầu trong công nghiệp hóa đất nước là đầu tàu kinh tế chiếm 42,42% GDP cả nước và 50,9 GDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm.
Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn nhằm hoàn thành mục tiêu năm 2019 – 2020, hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016- 2020 Chính phủ đã đề ra. Các địa phương, bộ, ngành, hiệp hội, các chuyên gia, nhà đầu tư các đồng chí lãnh đạo Chính phủ địa phương cần cho ý kiến để vùng kinh tế trọng điểm phía nam phải là đầu tàu, đầu kéo cả nước. Đi liền đó là cơ chế chính sách đầu tư, tài chính để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bứt phá. Có thể chế nào để phát triển liên kết vùng tốt hơn.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM cho rằng vấn đề giao thông kết nối và phát triển đô thị vùng là hai vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, để tạo động lực cho phát triển vùng, cần lồng ghép chính sách đặc biệt để phát triển quy hoạch hệ thống giao thông; có bộ phận nghiên cứu trực tiếp nhằm tham mưu phát triển vùng chứ không kiêm nhiệm như hiện nay.
Ông Lịch nói: “Các Vùng không kết nối được là do giao thông kết nối. Phát triển chuổi vùng đô thị mà không có giao thông kết nối là thất bại. "Tôi đi từ Lào Cai, Yên Bái đến Vân Đồn đường cao tốc sướng lắm. Tâm tư là vùng kinh tế này làm sao có cao tốc như vậy để phát triển. Hiện các đường vành đai ở Vùng KTTĐ chưa kết nối được, các đường cao tốc chưa được bao nhiều”- ông Trần Du Lịch cho hay.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch phải có tổ chức tư vấn lãnh đạo vùng mới họp bàn được, Thủ tướng phài chỉ đạo đột phá. Để vùng động lực để phát triển, Chính phủ quy hoạch mang tính động lực vùng. Chúng ta cứ phân bố ngân sách theo tỉnh cơ cấu kinh tế theo tỉnh là không đạt.
Ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch HĐQT Becamex Bình Dương được giới thiệu là một điển hình trong phát triển vùng KTTĐ phía Nam. Suốt 20 năm liên tục, doanh nghiệp này đã có những bước ngoặt, từ 1996 khởi đầu phát triển khu công nghiệp, đến những năm 2006 tiến sang thời kì phát triển đồng bộ công nghiệp - dịch vụ - đô thị, giao thông nối liền cảng biển - sân bay và các tỉnh, gắn với qui hoạch chung toàn vùng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hùng băn khoăn: "Những mục tiêu – định hướng lớn, qui hoạch tương lai của Vùng KTTĐ phía Nam đã rất rõ nét, những cơ hội và thách thức đã tỏ tường, nhưng tại sao nhiều dự án của Vùng vẫn chưa thể triển khai hiệu quả? Tại sao những điểm cốt lõi và vô cùng bức thiết như cảng biển, sân bay, tuyến đường kết nối… vẫn chưa thể tiến hành nhanh chóng?". Sau những câu hỏi đặt ra, người đứng đầu Becamex IDC kiến nghị phải có cơ chế phát huy nguồn lực doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cho Vùng, trong đó tiên quyết là hệ thống giao thông logistics gắn với phát triển công nghiệp - đô thị.
"Cùng với đó là cơ chế điều phối Vùng cần phải có sự phân cấp phân quyền mạnh hơn, cụ thể, thực chất, trọng tâm hơn. Đại diện lãnh đạo chính phủ với tầm nhìn quốc gia, vai trò khách quan, có thể trực tiếp chỉ đạo Vùng KTTĐ phía Nam, để bổ sung hỗ trợ TP HCM và các tỉnh, đưa ra những quyết định quyết liệt, những quả đấm thép thì mới có thể tạo bứt phá"- ông Hùng đề xuất.
PGS - TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, 5 năm trở lại đây vùng KTTĐ phía Nam đang phát triển chậm lại do vướng mắc nhiều vấn đề. Vùng chưa có thể chế phát triển theo pháp lý, phải có phân cấp quyền . Lập tổ tư vấn phát triển vùng là cần thiết. Cần có lực lượng kết nối vùng của doanh nghiệp.
Trong các giải pháp để phát triển vùng KTTĐ phía Nam, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Bộ GTVT quan tâm đầu tư các tuyến giao thông như mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, kéo dài tuyến đường sa81yt đô thị đến TP Biên Hòa (Đồng Nai), đường vành đai 3, đường cao tốc TP HCM – Chơn Thành…
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái đưa ra kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng liên kết vùng đặc biệt là các tuyến cao tốc, hệ thống đường vành đao TP HCM, hệ thống cảng – logictics,mở rộng tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương.
Đồng ý với nhiều ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng giao thông hiện nay ở vùng KTTĐ phía Nam là điểm nghẽn của khu vực. Trong đó là nghẽn về hàng không do sân bay quá tải, nghẽn ở cảng biển, nhất là đường bộ đang tắc nghẽn nghiêm trọng.
Ông Thể cho biết: “Hiện đang ngành giao thông đang tập trung xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất, nâng cấp sân bay Côn Đảo đề tiếp nhận tàu bay lớn hơn; sân bay Long Thành đầu 2021 phải khởi công. Để xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng cần tập trung các nguồn lực. Trong đó cần được Quốc hội thông qua nguồn vốn lớn, huy động nguồn vốn địa phương. Chứ trông chờ vào Trung ương thì điểm nghẽn giao thông sẽ kéo dài”.
Cụ thể hơn Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân so sánh: đóng góp giá trị GDP của vùng KTTĐ phía Nam lớn hơn của 3 vùng cộng lại. Tuy nhiên hiện nay đầu ra đầu vào mất cân đối. 10 km2 đất ở TP HCM mới chỉ có 2 km đường phài xây dựng 50 năm nữa TP mới đủ đường giao thông. “Hiện vùng KTTĐ phía Nam chỉ có khoảng 91km đường cao tốc chỉ bằng 11% cao tốc cả nước; doanh nghiệp gấp 6 lần, hàng hóa vận tải gấp 5 lần nhưng hạ tầng chưa phát triển chưa tương xứng về lâu dài là không ổn, đường chật, nhà chật thì không thu hút bền vững”- Ông Nhân nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú nêu rõ, muốn Vùng KTTĐ phía Nam phát triển nhanh, bền vững là đầu tàu kinh tế của cả nước thì phải thống nhất quan điểm phát triển vùng là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt, hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng. Phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tập trung nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng KT-XH, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng (các công trình trên trục hướng tâm, các vành đai, các đường kết nối các cảng biển và hành lang vận tải quốc tế). Phối hợp với các địa phương kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư theo hình thức PPP, tranh thủ nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển kết cấu hạ tầng. Kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông với phát triển đô thị bảo đảm công khai, minh bạch để tăng tính hấp dẫn với các nhà đầu tư.