Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội cũng kỳ vọng, việc T.Ư lấy phiếu tín nhiệm trước hết phải công tâm, khách quan trên cơ sở đánh giá sát với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi chức danh.
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, xã hội đang rất kỳ vọng vào việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng. Còn vấn đề công khai hay không, công khai ở mức nào đã có quy định riêng của Đảng.
“Nhà nước khi lấy phiếu tín nhiệm công khai, tôi nghĩ Đảng cũng đang đổi mới theo hướng minh bạch, công khai”, ông Vân nói.
Quy hoạch nhân sự qua 5 bước
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban chấp hành T.Ư được thực hiện theo quy trình 5 bước.
Qua đó, các cơ quan chức năng sẽ tổng hợp tất cả các trường hợp được giới thiệu của bộ, ngành, địa phương và xem xét về đối tượng, tiêu chuẩn, tiêu chí. Trên cơ sở đó sẽ thẩm định, khám sức khỏe theo quy định.
Bước thứ hai sẽ báo cáo Bộ Chính trị để xem xét, sau đó trình ra Ban chấp hành T.Ư. Trên cơ sở giới thiệu của Ban chỉ đạo và Bộ Chính trị thì BCH T.Ư sẽ xem xét và giới thiệu bằng phiếu. Trên cơ sở đó Ban chỉ đạo sẽ tập hợp lại và báo cáo Bộ Chính trị tiến hành phê duyệt.
Đối với BCH T.Ư, công tác nhân sự được thực hiện theo hướng riêng, trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều kiện sẽ được cơ cấu vào các vị trí cụ thể. Các trường hợp tham gia lần đầu vào BCH T.Ư phải trong quy hoạch, với trường hợp tái cử, được giới thiệu theo trình tự Tiểu ban nhân sự trình Bộ Chính trị. Sau đó Bộ Chính trị sẽ trình BCH T.Ư để xem xét giới thiệu ra Đại hội Đảng toàn quốc.
Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, trong lựa chọn cán bộ, cần đặt ra tiêu chuẩn để phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng trong từng giai đoạn. Sau đó là phân loại từng nhóm cán bộ tương thích với chức năng lãnh đạo quản lý, điều hành ở các lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình chuẩn mực, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng địa phương.