Hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc:

Hội nghị Diên Hồng có tính chất lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
Trưng bày hơn 400 hình ảnh, tư liệu và hiện vật quý về “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Ảnh: Kỳ Sơn
Trưng bày hơn 400 hình ảnh, tư liệu và hiện vật quý về “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Ảnh: Kỳ Sơn
TP - Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 diễn ra sau 75 năm hội nghị lần đầu tiên mang tầm vóc lớn, là dịp nhìn lại thành tựu 35 năm sau đổi mới và xác định kim chỉ nam để xây dựng văn hóa và con người Việt Nam thời đại mới.

Dấu mốc đặc biệt

Sau 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nêu, năm 2021 đất nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Đây là năm đầu tiên đất nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước 10 năm mà Nghị quyết Đại hội đã xác định. Đất nước ta phải đối mặt với đại dịch COVID-19, từ tháng 4/2021, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã gây ra thiệt hại không nhỏ, trong đó có ngành VHTTDL. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng và chung sức của nhân dân, đất nước dần thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt dịch bệnh.

“Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, chúng ta phải gắn liền với các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Năm nay đất nước ta tổ chức kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Chính vì vậy, Bộ VHTTDL chủ động tham mưu cho các cấp có thẩm quyền, sau đó, được Ban Bí thư giao nhiệm vụ cho các ban Đảng, cho các tổ chức có liên quan để tích cực triển khai sớm Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Chúng ta tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc với mục tiêu quan trọng xuyên suốt là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 về văn hóa. Hội nghị này được diễn ra vào thời điểm quan trọng, mang tính chất lịch sử”, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng VHTTDL nêu.

Khơi dậy khát vọng hùng cường

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 nhận được sự quan tâm rất lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, mà trực tiếp là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các văn kiện của Đảng đều khẳng định phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, coi văn hóa là động lực tinh thần để phát triển, là một trong bốn trụ cột phát triển. Chính vì vậy, quy mô của hội nghị được tổ chức khá lớn, quy tụ gần 600 đại biểu gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ ngành, văn nghệ sĩ, các tổ chức chính trị xã hội được lựa chọn để dự hội nghị ở điểm cầu Hà Nội.

Hội nghị Diên Hồng có tính chất lịch sử ảnh 1

Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện đại. Ảnh: Như Ý

Quy mô toàn quốc của hội nghị còn thể hiện ở chỗ, BTC sẽ nối đến các điểm cầu của các địa phương trong cả nước. Bên cạnh điểm cầu của các tỉnh, thành ủy với một quy mô là tập thể Ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh, các cơ quan ban ngành đoàn thể cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo hội nghị còn mong muốn tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin để nối cầu đến các xã, phường, thị trấn toàn quốc, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Trọng tâm xuyên suốt của hội nghị này chính là nhiệm vụ dẫn luận, hệ thống lại quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa; nhìn lại một cách sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về lĩnh vực văn hóa để tổng kết thành tựu, rút ra bài học kinh nghiệm để có được nhận thức đúng, từ đó sẽ có hành động đẹp. “Từ nhận thức có tính chất hệ thống về các quan điểm, đường lối của Đảng, chúng ta xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Nhiệm vụ xuyên suốt đó là phải phát triển văn hóa và con người Việt Nam, mà trọng tâm chính là phải khơi dậy được khát vọng xây dựng đất nước của chúng ta hùng cường”, lãnh đạo Bộ nhấn mạnh.

Tạo dựng môi trường văn hóa

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phân tích, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, chúng ta phải nhận thức đúng hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa để phát huy đầy đủ nội hàm xây dựng nền văn hóa mà đất nước đang hướng đến. Đó là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, biết tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại trong quá trình tiếp biến văn hóa. “Chúng ta phải chủ động khắc phục tác động của văn hóa ngoại lai, những ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình tiếp biến văn hóa”, ông Hùng nêu.

Sau quá trình nhìn nhận, đánh giá lại đường lối, chính sách của Đảng về văn hóa, ngành VHTTDL phải xác lập và xây dựng hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa trong giai đoạn mới. Môi trường văn hóa rất rộng, vì lẽ đó “tư lệnh ngành” VHTTDL nêu quan điểm tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực, phải ưu tiên trong vấn đề văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân. “Chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế. Vậy phải xây dựng môi trường này như thế nào đó để đảm bảo được hàm lượng văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa. Văn hóa phải bắt đầu từ cơ sở, được hình thành và hun đúc từ ngàn năm nay của dân tộc, chúng ta phải biết phát huy và giữ gìn”, Bộ trưởng Hùng nói.

Kỳ vọng của lãnh đạo Bộ VHTTDL là trở lại thực chất hơn bằng việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từ khu dân cư, từ các cơ quan đơn vị, để thực sự tạo dựng được môi trường văn hóa. Một trong những giải pháp quan trọng là thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Đó là con người yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước và sáng tạo. Không thể xây dựng con người theo hướng là chỉ có một số giải pháp mà đặt con người trong tổng thể vừa là nhân vật trung tâm, vừa là chủ thể để xây dựng văn hóa. Và ngược lại, văn hóa hình thành nên những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, con người của thời đại hội nhập, con người giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021 dự kiến diễn ra ngày 24/11 tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) do Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì, trực tuyến đến 63 tỉnh, thành. Hướng tới sự kiện tầm cỡ này, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL chủ trì Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, khai mạc 16/11 tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam, kéo dài hết 27/11. Hơn 400 tài liệu, hình ảnh quý được lựa chọn để khái quát quá trình phát triển, hội nhập văn hóa Việt Nam kể từ năm 1930 cho tới thời điểm này.

Đây là lần đầu tiên trưng bày một cách hệ thống, khái quát dòng chảy của văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Với những hình ảnh, hiện vật trưng bày về mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, người xem đều có thể đúc rút diện mạo tổng quát cũng như những điểm nhấn về quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam, với sứ mệnh “soi đường”.

MỚI - NÓNG