Hồi ký của mẹ

TP - Sau một thời gian ngắt quãng do bận việc gia đình, tôi tiếp tục dự án đã khởi động từ cách đây 2 năm. Dự án của người ta thì vì nhiều mục đích khác nhau và kiếm được tiền, thậm chí rất, rất nhiều tiền. Còn dự án của tôi? Cứ tạm gọi là dự án 0 đồng. Bởi đó là dự án xuất phát từ trái tim nhỏ bé của tôi dành để tri ân Cha Mẹ đã nuôi dưỡng tôi nên người. 

Cha tôi (ông Nguyễn Lam, Bí thư T.Ư Đoàn TN Cứu quốc, người chỉ đạo trực tiếp thành lập báo Tiền Phong hơn 60 năm trước) đã khuất núi. Đúng lần giỗ thứ 25 của Cha, tôi có tác phẩm đặt lên bàn thờ - một bài báo viết về Cha Mẹ đăng trên báo Tiền Phong số đặc biệt Tết 2015. Mẹ tôi vẫn còn sống và tương đối khỏe mạnh so với lứa tuổi 90. Sắp tới là sinh nhật Mẹ, tôi sẽ tặng Mẹ gì đây? Còn sống để cảm nhận được sự yêu thương của con cái là điều quý nhất. Tôi hạ quyết tâm sẽ chạy đua với thời gian để viết bài/viết sách kính tặng Mẹ, chắc Mẹ sẽ vui và tự hào vì có con gái út rất có lòng yêu thương, kính trọng Mẹ.

Dù hoàn cảnh gia đình tôi giờ vô cùng bận rộn, đầy những lo toan chuyện trọng đại mà chỉ những người bạn thân thiết nhất mới biết và được tôi chia sẻ, song mỗi ngày tôi đều cố gắng dành 1 - 2 giờ để thực hiện dự án này. Đây là dự án tự nguyện, không thể đặt ra được tiến độ khi nào sẽ hoàn thành, bởi nó còn phụ thuộc vào những hồi tưởng của Mẹ, một cụ bà thuộc lớp U100, nhớ đến đâu viết ra đến đó, thậm chí đang đêm chợt nhớ ra điều gì, cụ lại dậy viết ra mẩu giấy bé tý bằng bàn tay để sớm mai khỏi quên. Những ký ức lộn xộn, lặp đi lặp lại, nhưng cực kỳ chính xác. Đúng như người ta bảo những người già có biệt tài nhớ lại chuyện ngày xưa.

Quả đúng vậy! Lần hồi đọc và gõ phím những mẩu giấy của Mẹ, tôi dần hiểu được gốc gác gia đình, hoàn cảnh sống của nhân dân và đất nước ta dưới sự đô hộ của thực dân đế quốc. Qua hồi ký của Mẹ, tôi mường tượng ra cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc, những khó khăn, nghèo khổ của nhân dân ta. Trước mắt tôi hiện ra cảnh tượng hàng vạn người dân Việt Nam chết đói năm 1945. Tôi mường tượng ra cảnh Cha tôi cùng các đồng chí vượt ngục qua đường ống cống thành phố, thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò trước khi bị giặc đày ra đảo Phú Quốc, ra ngoài để tiếp tục hoạt động cách mạng… Tôi hiểu thêm rất nhiều điều về hoạt động của các nhà cách mạng mà trong những trang sách sử tôi được học trước đây không có.

Tôi gọi công việc của tôi giờ là một dự án, dự án cực lớn của đời tôi, bởi để đọc được, ghi và soạn lại những dòng hồi ký của Mẹ, tôi đã phải bỏ ra bao công sức. Những mẩu giấy tiết kiệm được Mẹ tôi viết ra một cách rất khó khăn. Những con chữ nhỏ li ti, ngoáy tít được viết bằng bàn tay run rẩy, tê bì mất cảm giác từ lâu. Mẹ đã cố viết những ký ức của mình, để lại cho con cháu hiểu biết về ông bà, cha mẹ mình, về đất nước, con người  Việt Nam trong chiến tranh loạn lạc. Bởi thế nên tôi trân trọng, cố gắng hết sức để đọc, để hiểu và sắp xếp lại từng ký ức, từng mảnh giấy do Mẹ viết ra. Hiểu và rất yêu thương Mẹ nên tôi kiên nhẫn và dành hết tâm sức để thực hiện cho được dự án này.

Mai kia các con, các cháu tôi lớn lên, chúng sẽ hiểu về nguồn gốc, về cuộc sống và quá trình tham gia hoạt động cách mạng vì độc lập tự do của dân tộc của ông bà mình.

MỚI - NÓNG