Hối hả chống ngập cho cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
TPO - Các nhà thầu đang triển khai xây tường chắn bằng đá; cống thoát nước, tường chắn bê tông cốt thép, rãnh thoát nước mặt, hồ điều hòa... nhằm tránh tình trạng ngập nước cuốn trôi ô tô tái diễn trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, nối Đồng Nai và Bình Thuận, được khởi công vào tháng 9/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, thông xe toàn tuyến vào ngày 30/4/2023.
Đến rạng sáng 29/7/2023, mưa lớn khiến nước tràn vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khiến đoạn qua huyện Hàm Tân ở Km25+419 bị ngập sâu. Nhiều ô tô chìm trong nước, không thể lưu thông.
Làm việc với lãnh đạo các sở, ban ngành chức năng tỉnh Bình Thuận, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết Đặng Hùng Thái khẳng định, nguyên nhân ngập nặng là do mưa lớn và nước từ đập sông Phan xả về, không phải do vấn đề đặt cống hay thiết kế công trình.
Sau sự cố trên, Ban Quản lý dự án Thăng Long - chủ đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cho biết, đã thống nhất phương án chống ngập trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đoạn qua xã Sông Phan với UBND huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Theo phương án thiết kế của gói thầu bổ sung, bên trái tuyến tại Km25 thiết kế tường chắn đá với chiều dài hơn 100m.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng xây cầu cống bổ sung tường chắn bê tông cốt thép với chiều dài khoảng 15m.
Hiện nay, nhà thầu đang thi công hoàn thiện tường chắn đá, bổ sung rãnh thoát nước, xây hồ điều hòa nhằm tăng lực điều hòa, phòng chống ngập úng đoạn qua Km25 (xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Một cống thoát nước đang được xây dựng để phòng chống ngập úng cho cao tốc.
Tường chắn nước đang được xây dựng.
Tường chắn bê tông cốt thép với chiều dài khoảng 15m đang dần hình thành. Từ Km 25+200 đến Km 25+420 phía trái tuyến thiết kế rãnh thoát nước mặt, chia làm hai rãnh chạy song song, một phần thu nước mặt đường và đổ ra ngoài bằng cống qua đường gom; một phần đổ về hố ga tại cống Km 25+419.
Công nhân đang thi công hồ điều hòa với thể tích chứa 831 m3. Biện pháp thi công này được chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế cao tốc kỳ vọng sẽ không còn xảy ra tình trạng ngập nặng như rạng sáng 29/7/2023.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có điểm đầu nằm trên đoạn tuyến nối từ quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh (tỉnh Bình Thuận) thuộc điểm cuối dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn thuộc huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai).
TPO - “Nếu cho các tổ chức kinh doanh bất động sản thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở thương mại, liệu có tạo ra một cơn sóng sốt đất nữa không?”, địa biểu Quốc hội đặt vấn đề.