Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam bàn giải pháp vượt đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc - Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam chủ trì kỳ họp thứ III năm 2021 của Hội đồng
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc - Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam chủ trì kỳ họp thứ III năm 2021 của Hội đồng
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, kéo theo các thay đổi về thị trường lao động, đặt ra những thách thức lớn trong thực hiện an sinh xã hội của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam vừa tổ chức kỳ họp lần thứ III năm 2021 để đánh giá kết quả thời gian qua và định hướng nhiệm vụ thời gian tới trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh.

Điểm sáng từ ứng dụng công nghệ

Các thành viên Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam (Hội đồng) đánh giá, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, đời sống người lao động và hoạt động của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu; công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chi trả các chế độ bảo đảm kịp thời; đầu tư quỹ an toàn, hiệu quả theo quy định...

Các thành viên Hội đồng cũng nhận định, tác động của dịch bệnh rất nặng nề, nguy cơ đứt gãy thị trường lao động; nhiều lao động các tỉnh phía Nam tiếp tục về quê, rời thị trường lao động, dừng tham gia BHXH, BHTN, BHYT; nhiều doanh nghiệp phá sản, tạm dừng, giảm lao động tạo thách thức lớn lên nhiệm vụ an sinh xã hội của ngành BHXH.

Do đó, BHXH Việt Nam cần đánh giá tổng thể, chi tiết về những tác động của dịch bệnh tới dự toán thu, chi, thực hiện nhiệm vụ của ngành để có những giải pháp, điều chỉnh phù hợp.

Hội đồng cũng yêu cầu, BHXH Việt Nam bám sát các định hướng, chỉ đạo của Nghị quyết số 28/NQ-TW để có các giải pháp kịp thời, đa dạng, linh hoạt, tiếp cận mọi tầng lớp người dân; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và xu hướng chuyển đổi số...

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh từ Quỹ BHXH, BHTN. Các chính sách hỗ trợ đến nay đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, phát huy vai trò chia sẻ rủi ro, trụ cột hệ thống an sinh của chính sách BHXH, BHTN, BHYT.

Theo ông Cường, từ năm 2018 đến nay, Hội đồng đã thực hiện 35 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác BHXH, BHYT, BHTN tại địa phương. Qua đó đã chấn chỉnh, kiểm soát việc tăng đột biến chi khám chữa bệnh BHYT; ngăn chặn trục lợi; chỉ đạo các cơ quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cải cách hành chính; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN...

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Hội đồng, nhưng từ năm 2020 tới nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động này cũng gặp khó triển khai.

Các thành viên Hội đồng đã thảo luận, nghiên cứu để xây dựng kịch bản hoạt động giám sát phù hợp với tình hình hiện nay. Trong 3 tháng cuối năm 2021, Hội đồng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác BHXH, BHYT, BHTN tại BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương.

Nghiên cứu đấu thầu tiền gửi Quỹ BHXH

Về Đề án nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, các thành viên Hội đồng thống nhất đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, để trình Chính phủ xây dựng một nghị định quy định về hoạt động Hội đồng.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc - Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam đánh giá, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội đồng đã kịp thời chỉ đạo, tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp từ Quỹ BHXH, BHTN (như Nghị quyết 68, Nghị quyết 116...). Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn, khi hỗ trợ đúng thời điểm khó khăn, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách BHXH, BHTN, BHYT.

Thời gian tới, ông Phớc yêu cầu, toàn ngành BHXH tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ giao trong năm 2021, kế hoạch của Hội đồng đã ban hành. BHXH Việt Nam cần nghiên cứu đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN; đặc biệt phát triển BHXH tự nguyện để ngày càng nhiều người lao động tự do, nông dân được tham gia BHXH nhằm có lương hưu khi về già giúp ổn định cuộc sống.

BHXH Việt Nam cũng cần coi trọng công tác ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để người dân tiếp cận chính sách BHXH, BHYT, BHTN nhanh và thuận lợi nhất.

Theo ông Phớc, lĩnh vực đầu tư quỹ cần tiếp tục được cải thiện trên nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; nghiên cứu thí điểm đấu thầu tiền gửi tại 5 ngân hàng thương mại nhà nước để nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ. Về bộ máy, BHXH Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn, tinh gọn, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ để phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tốt hơn.

Tại kỳ họp lần thứ III năm 2021 của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, một số nội dung cũng được đưa ra thảo luận, như: Thẩm định, thông qua các tờ trình của BHXH Việt Nam; Thảo luận các báo cáo của BHXH Việt Nam (báo cáo thu chi quỹ năm 2022 và kế hoạch tài chính 3 năm tới, báo cáo kế hoạch đầu tư, báo cáo chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp...); Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tại kỳ họp quý III/2021 của Hội đồng; Báo cáo Đề án Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng...

MỚI - NÓNG