‘Hôi của’ và bài học trong vấn đề giáo dục con cái

‘Hôi của’ và bài học trong vấn đề giáo dục con cái
“Điều khủng khiếp nhất là hình ảnh tôi xông vào cướp bia đã bị con tôi nhìn thấy”, một bà mẹ tham gia “hôi bia” ân hận chia sẻ. Hình ảnh bà mẹ, ông bố và rất nhiều người khác tham gia "hôi của" là một bài học trong vấn đề giáo dục con cái.
Hình ảnh người mẹ và rất nhiều người khác tham gia
Hình ảnh người mẹ và rất nhiều người khác tham gia "hôi của" là một bài học trong vấn đề giáo dục con cái.

Những ngày qua, cư dân mạng bỗng dậy sóng với hành vi ăn cướp bia của chiếc xe tải bị lật. Xấu hổ với hành vi này, một người dân Biên Hòa đã treo băng rôn phê phán hành động này và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng.

Không còn tư cách giáo dục con cái?

“Điều khủng khiếp nhất là hình ảnh tôi xông vào cướp bia đã bị con tôi nhìn thấy”, một bà mẹ tham gia “hôi bia” ân hận chia sẻ.

Khi thấy nhiều người cùng đổ xô xông vào "hôi bia" trong vụ tai nạn xe tải chở hàng nghìn thùng bia lon Tiger bị lật tại vòng xoay Tam Hiệp (phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vào chiều 4/12, bà Nguyễn Hồng Ng., hiện tạm trú tại phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng dừng xe lao vào tham gia, bất chấp ánh mắt và cảm nhận của con trẻ đang ngồi phía sau xe.

“Hôm đó tôi đang trên đường rước con gái học lớp 7 về. Đến gần vòng xoay Tam Hiệp trên quốc lộ 1A, tôi thấy phía trước hỗn loạn khi có chiếc xe tải lật nằm giữa đường và nhiều người mạnh ai nấy lao vào hốt bia bị đổ. Không chút suy nghĩ, tôi vội dừng xe giữa đường kêu con giữ xe và cũng lao vào hốt bia. Đến khi tôi trở ra, trên tay đầy bia và nhìn thấy con gái vẻ mặt buồn thiu tôi cũng chẳng chút bận tâm”, bà Ng., kể lại.

“Suốt đoạn đường về nhà, con tôi chẳng hỏi mẹ tiếng nào về tình tiết vụ tai nạn mà chỉ hỏi: “ Mẹ lấy bia làm gì khi nhà mình không ai uống?", bà Ng. ân hận chia sẻ, "trước câu hỏi của con, tôi bỗng giật mình và suy nghĩ hành về động đáng xấu hổ của mình".

Rồi những ngày sau đó, các phương tiện truyền thông liên tục đưa hình ảnh, thông tin lên án hành vi tàn nhẫn của những kẻ “hôi của” trong vụ tai nạn.

“Con gái tôi đã tận mắt nhìn thấy hình ảnh mẹ nó và hàng trăm người khác tham gia “cướp bia”. Tôi thật sự nhục nhã và thấy mình không còn tư cách để giáo dục con nữa”, bà Ng. nghẹn ngào chia sẻ.

Chuyện hôi của, cướp bia: Hãy nói cho rõ ràng chuyện đau lòng này

Nói về việc giáo dục con cái, anh Trần Nhật Hòa, ngụ tại TP.HCM, chia sẻ: “Đối với một đứa trẻ, điều quan trọng nhất là giáo dục chứ không phải bẩm sinh”. Anh Hòa cho biết, có lần, trong cảnh hỗn độn kẹt xe ở ngã tư, nhìn thấy cảnh xe chen lấn trên vỉa hè, con gái anh đã hỏi: “Cô giáo nói vỉa hè là dành cho người đi bộ, sao con thấy xe vẫn chạy vậy hả ba?”. “Lúc đó, tôi cũng không biết phải trả lời con tôi thế nào, đành nói cho qua: "Do đường hẹp, lại kẹt đường, người ta tạm thời chạy xe trên vỉa hè”, anh Hòa chia sẻ, "nghĩ lại không biết mình nói như vậy có sai lệch không, nhưng thấy con gái vẫn tỏ vẻ không hiểu".

Lên án cái xấu là cần thiết, nhưng cũng phải nói cho rõ
Lên án cái xấu là cần thiết, nhưng cũng phải nói cho rõ "cái xấu chỉ ở một số ít người".

Theo TS Tâm lý – Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, cơ sở tính cách của trẻ được hình thành ngay trong những ngày thơ ấu. Thói quen sinh hoạt ngay từ những năm tháng đầu đời, thái độ của cha mẹ, không khí gia đình,… tất cả sẽ biến thành đặc trưng tính cách của đứa trẻ sau này.

Thế nhưng, hình ảnh xấu xí của người Việt một lần nữa xuất hiện qua chuyện "cướp bia". Và truyền thông nhanh chóng loan đi hình ảnh hỗn tạp ấy. Đáng buồn là hình ảnh bà mẹ, ông bố và rất nhiều người khác tham gia "hôi của" đã để con cái họ chứng kiến, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông.

Nhiều người cho rằng, “hôi của” giờ đây không còn là chuyện lạ. Nó vẫn diễn ra thường xuyên ở xứ ta bên cạnh chuyện vượt đèn đỏ, vứt rác bừa bãi hay không xếp hàng nơi công cộng,…Những gì vừa xảy ra cho thấy con người hành động chỉ vì thói quen, vì quán tính của cái xấu.

Một bạn có nickname Thanh Hong Truong chia sẻ: Nói gì thì nói đây là quy luật "bầy đàn". Chẳng biết mình có trong quy luật đó không dù rằng không ham gì thứ đó. Nói chung cái lợi trước mắt thì họ sẽ lấy, không nghĩ cho người chở hàng phải đền bù thiệt hại ra sao. Nhưng chắc có lẽ nhiều người ở đó về nhà sau khi nghĩ sẽ day dứt”.

Có thể chỉ ra cụ thể ai là người chịu trách nhiệm về một lĩnh vực, một ngành kinh tế nghèo nàn, giáo dục, y tế lạc hậu, hạ tầng giao thông yếu kém. Nhưng thật khó để chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm về một nền đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp trầm trọng hiện nay. Lên án cái xấu là cần thiết, nhưng cũng phải nói cho rõ "cái xấu chỉ ở một số ít người", trước những thông tin và hình ảnh hỗn tạp lan truyền, một bạn có nickname Trueman chia sẻ: “Hết xếp hàng chen nhau để được ăn miễn phí. Nay lại đến đua nhau hôi của khi xe bia gặp nạn. Tất cả đều được truyền nhau rộng khắp trên facebook theo kiểu "chỉ có Việt Nam mới vậy".

Thiết nghĩ. Nếu ai không phải là người Việt Nam để hiểu được tình trạng này chỉ là số ít. Mà họ là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam xa xứ lâu năm, thì những hình ảnh này ít nhiều sẽ khiến họ khinh thường lắm lắm khi gặp bất cứ người Việt Nam nào. Lên án cái xấu là cần thiết. Nhưng cũng phải nói cho rõ "cái xấu chỉ ở một số ít người", chứ cứ cái đà chửi cho đã này, mai mốt vác mặt đi đâu thì cũng sẽ rất dễ bị người khác nhìn bằng con mắt chẳng ra gì”.

Dân ta có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái đã thành bản sắc trong hàng nghìn năm qua. Điều đó được minh chứng mỗi mùa bão lụt đi qua, người dân vùng bị nạn luôn nhận được sự cứu trợ kịp thời của người dân cả nước,…Những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp đấy sao không tiếp tục phát huy trong những trường hợp gặp người bị nạn trên đường thì cứu giúp, gặp người đang rơi tài sản mọi người cùng nhặt trả lại thì giá trị văn hóa ứng xử của người Việt sẽ cao đẹp biết bao.

Theo Đất Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG