Khi dạy học sinh lớp 10 cách làm dàn ý một bài tập làm văn, thay vì chỉ cần nói và ghi ba phần chính: mở bài, thân bài và kết bài bằng ba số La Mã I, II, III; thì tôi lại phô trương kiến thức toán của mình bằng cách giảng thêm: số La Mã có tất cả bảy ký hiệu I (1), V (5), X (10), L (50), C (100), D (500), M (1.000), các ký hiệu này không được xếp liền nhau quá ba lần. Ví dụ số 3.000 thì viết là MMM. Bỗng có một học sinh giơ tay hỏi: Thưa thầy, vậy số 4.000 viết làm sao?
Tôi ngớ ra vì mình cũng chưa biết viết số La Mã lớn như thế! Các sách giáo khoa toán tôi đã đọc qua cũng chưa có sách nào nói thêm điều đó. Ngây người một lúc, tôi bèn xin lỗi các em, tôi cũng chưa biết, để tôi hỏi các thầy cô toán rồi trả lời các em sau. Cả lớp cười ồ lên.
Sau đó, tôi đi hỏi các giáo viên dạy toán tôi quen ở cả cấp II, cấp III; hỏi cả các bậc trưởng thượng có học tiếng Latin... nhưng cũng chẳng ai biết mà giải đáp cho tôi, để tôi giải đáp cho học trò. Cũng từ đó, tôi tự biết giới hạn việc giảng dạy văn của mình vào những kiến thức trọng tâm mà tôi đã nắm chắc 100%.
Chục năm sau, tình cờ tìm thấy trong một tiệm bán sách báo cũ quyển “Giáo trình số học - tài liệu thí điểm bồi dưỡng giáo viên cấp 1 lên trình độ trung học sư phạm hoàn chỉnh”, tập 3, NXB Giáo Dục 1976, tôi cực kỳ sung sướng khi thấy sách giảng rằng: “Ký hiệu một vạch ngang phía trên để chỉ rằng kết quả ở bên dưới được nhân thêm với 1.000”.
Vậy, nhờ câu hỏi của học sinh, tôi đã biết viết số 4.000 là IV với vạch ngang phía trên đầu. Nhưng làm sao tôi có dịp gặp lại các học trò của tôi 10 năm về trước để giải đáp thắc mắc cho các em đây?
2. Hồi tôi dạy văn lớp 12 bổ túc văn hóa, bài thơ Bác ơi (Tố Hữu). Đến câu thơ “Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa”, tôi hồn nhiên giảng: “Trên cánh cửa cuối thang gác lên nhà sàn của Bác Hồ có treo một cái chuông nhỏ để báo hiệu khi có khách” (chú thích trong sách giáo khoa ngữ văn 12 tập 1).
Tuần sau, khi lên trả bài, một em học sinh đã đọc: “Chuông ôi chuông nỏ còn reo nữa”. Tôi ngắt lời em: “Chuông nhỏ chứ không phải chuông nỏ”. Em này dõng dạc nói: “Thưa thầy, chuông ôi chuông nỏ còn reo nữa có nghĩa là chuông ôi chẳng còn reo nữa. Nỏ là tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên có nghĩa là “không” là “chẳng” ạ”.
Tôi còn đang ngớ ra thì em đưa tôi xem tập Thơ Tố Hữu, tác phẩm chọn lọc dùng trong nhà trường, NXB Giải Phóng 1974, trang 192 do lỗi in ấn, cũng ghi nhầm là “chuông nhỏ”, nhưng ở tờ đính chính (tờ rời) của sách này có sửa “nhỏ” thành “nỏ” đúng như em nói (!).
Để chữa thẹn, tôi khen em đọc văn bản có nghiên cứu kỹ đáng khen, và cho ngay điểm 10. Rồi cho cả lớp sửa liền “nhỏ” thành “nỏ” đúng với dụng ý dùng từ địa phương của Tố Hữu và đúng với mạch thơ: Chuông chẳng reo, phòng lặng lẽ, rèm không cuốn lên, đèn không sáng... Bác đã đi rồi!
Đấy, có phải học sinh là học trò và cũng là thầy tôi không?
Theo Pháp luật TP.HCM