Học trải nghiệm: Nhà trường không nên khoán trắng cho công ty du lịch

Học sinh tiểu học Hà Nội tham gia hoạt động trải nghiệm.
Học sinh tiểu học Hà Nội tham gia hoạt động trải nghiệm.
TPO - Từ thực tế các vụ việc học sinh gặp nạn tử vong khi tham gia hoạt động trải nghiệm, các huyên gia cho rằng, cần có quy trình chặt chẽ để đảm bảo yếu tố giáo dục và an toàn cho học sinh thay vì tổ chức tràn lan vì phần trăm "lại quả" hay khoán trắng cho công ty du lịch.

Có tiền "lại quả" cho các nhà trường?

Chị Trần Thu Hương, có con học lớp 2 một trường tiểu học tại quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, năm ngoái, khi con đang học lớp 1, nhà trường tổ chức dã ngoại cho học sinh khối 1, 2 với hơn 1.000 học sinh tại khu vui sinh thái ngoại thành. Sau khi về nhà, lớp có khoảng 20 phụ huynh lên nhóm lớp kêu con bị nổi mẩn đỏ khắp người. Nhưng giáo viên không thể lý giải được nguyên nhân. Phụ huynh chỉ được thông báo các con chơi trò chơi, xem các con vật như dê, ngỗng và chèo xuồng…ở khu sinh thái. Chị Thu Hương cho hay chi phí cho 1 ngày trải nghiệm của trường cao hơn rất nhiều so với gia đình tự đưa con đến khu sinh thái đó.

Bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng Trường THCS- THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, mỗi chuyến đi, trường tổ chức cho khoảng hơn 2.000 học sinh. Do không có chức năng tổ chức quy mô lớn nên trường phải kết hợp với một công ty du lịch để họ bố trí phương tiện đi lại, ăn ở…Tuy nhiên, trường không khoán trắng cho công ty du lịch mà lên kế hoạch cụ thể, buộc phía công ty phải thực hiện theo yêu cầu của nhà trường.

“Mỗi chuyến đi, phía công ty du lịch đều đề cập đến chuyện có % "lại quả" cho nhà trường nhưng nhiều năm nay trường không nhận mà yêu cầu trừ vào tiền học sinh phải đóng. Trong những chuyến đi xa, trường yêu cầu chọn phương tiện là tàu hoả để đảm bảo đi lại an toàn cũng như trải nghiệm ngắm cảnh quan đất nước sẽ có sự khác biệt để các em viết bài thu hoạch”, bà Na nói.

Điều lo lắng nhất khi tổ chức chương trình trải nghiệm là sự an toàn của học sinh. Do đó, trước mỗi chuyến đi, giáo viên chủ nhiệm siết lại nội quy, chia lớp theo từng nhóm 5-6 em, giao 1 em tổ trưởng chịu trách nhiệm sĩ số nhóm. Ngoài ra, phải quản lý nếu không những đôi có tình cảm với nhau nhân cơ hội này có thể “vượt rào”; học sinh uống bia rượu…

Cũng theo bà Na, đến mỗi địa phương, trường thường cho học sinh tham quan làng nghề; thăm bảo tàng, di tích lịch sử và tổ chức các hoạt động tập thể. Qua những chuyến đi, nhiều học sinh có kỹ năng rất tốt nhưng cũng có những em lộ ra được bố mẹ bao bọc quá kỹ, khi ra ngoài không biết xoay xở ra sao. 

Một hiệu trưởng trường THCS công lập tại Hà Nội cho hay mỗi năm tổ chức 1-2 chuyến dã ngoại, học trải nghiệm cho học sinh. Do có tới hơn 1.000 học sinh nên nhà trường thuê công ty du lịch cùng tổ chức. Hiệu trưởng này cũng thừa nhận, phía công ty cũng có một chút lại quả" cho các nhà trường nhưng không có chuyện chi phí cao hơn ở ngoài vì có thể công ty đặt cùng lúc cho hàng trăm học sinh, họ được giảm giá vé. Bà ví dụ, giá vé tham quan ở một khu sinh thái nào đó là 180.000 đồng/ ngày, thì tổ chức 1 ngày trải nghiệm trường thu 250.000 đồng, trong đó bao gồm chi phí thuê xe, nước uống và ăn trưa.

Siết quy trình tổ chức trải nghiệm

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban tuyên giáo T.Ư cho rằng, học sinh đi đông, chỉ nên chọn những chương trình mang tính giáo dục, vui chơi lành mạnh hoặc tham quan các cơ sở sản xuất; nhà máy; xí nghiệp; giao lưu với công nhân lao động hoặc trải nghiệm 1 ngày lao động như công nhân… “Trong đó, để đảm bảo an toàn phải quy định chặt chẽ về người quản lý lớp giờ học, giờ chơi, giờ ngủ ra sao. Những sự việc như học sinh trường THPT Đông Anh là bài học đắt giá cho các nhà trường”, ông Dong nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khẳng định, các trường phải đưa ra các phương án đảm bảo an toàn và chủ đề giáo dục chứ không thể khoán trắng cho công ty du lịch. Ví dụ, mỗi năm trường Đinh Tiên Hoàng đưa học sinh đi trải nghiệm 2 đợt và có thể cho học sinh ngủ lại qua đêm nhưng chỉ thuê xe còn lại thầy cô phải lên kế hoạch tỉ mỉ. Buổi tối, để tránh những chuyện ngoài ý muốn, giáo viên chia đội đi điểm danh từng phòng, quy định giờ giới nghiêm… Các chương trình trải nghiệm phải thiết kế theo chủ đề để học sinh dựa trên chủ đề đó thực hiện, sáng tạo có chấm điểm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, lâu nay trong quá trình tổ chức vẫn để xảy ra những sự việc đau lòng, đáng tiếc cần phải xem lại chương trình trải nghiệm các trường đưa ra có lấy mục tiêu giáo dục, có kế hoạch chặt chẽ hay không. Nếu chưa đảm bảo quy trình chặt chẽ, chưa có mục tiêu cụ thể cho từng hoạt động tốt nhất không tổ chức  tránh làm tránh lãng phí và không an toàn cho học sinh. Ngoài ra, khi đã có chuyện trích phần trăm, “lại quả” sẽ dẫn đến chuyện có nơi chọn đơn vị cung ứng dịch vụ giá rẻ, chiết khấu cao nhưng chất lượng không tốt.

MỚI - NÓNG