Học thi online thời COVID: Có gây khó với học sinh cuối cấp?

0:00 / 0:00
0:00
Học thi online thời COVID: Có gây khó với học sinh cuối cấp?
TPO - Hà Nội là một trong nhiều tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh tạm nghỉ từ ngày 3/5 cho đến khi có thông báo mới. Đây là thời điểm các trường chuẩn bị cho học sinh kiểm tra học kỳ II, khiến nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh lo lắng, nhất là học sinh cuối cấp.

Các trường có bị động?

Tối 3/5, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến ký thông báo về việc cho toàn bộ học sinh các cấp từ bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, trung tâm ngoại ngữ, tin học…trên địa bàn tạm dừng đến trường từ ngày 4/5 đến khi có thông báo mới.

Trong thời gian tạm dừng đến trường, tất cả các trường sẽ chuyển sang kế hoạch dạy học trực tuyến. Việc tổ chức khảo sát lớp 12 như kế hoạch trước đó tạm hoãn, việc triển khai tiếp theo sẽ có hướng dẫn sau.

Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, việc dạy học trực tuyến không hề gây xáo trộn hay ảnh hưởng gì cho nhà trường.

“Cũng phải thừa nhận, với thời điểm này việc học trực tuyến khiến học sinh lớp 9 khá hoang mang, lo lắng. Nhà trường đã có giải pháp ôn tập cũng như định hướng để học sinh, phụ huynh yên tâm. Đến thời điểm này các trường đã hoàn thành kiến thức cho học sinh lớp 9 cũng như hoàn tất hồ sơ học sinh thi vào lớp 10”- ông Cường cho biết.

Ông Cường cho biết, theo lịch, hôm nay nhà trường cho khối 6,7,8 thi học kì nhưng không kịp. Vì thế, từ hôm nay nhà trường duy trì học trực tuyến cho lớp 6,7,8 với số lượng phù hợp. Với môn Toán- Văn- Anh chỉ học 2 tiết/ tuần và các buổi học có 3 tiết/ buổi nhằm đảm bảo cho sức khỏe cho học sinh.

“Đây là thời điểm học sinh ôn thi vào lớp 10, cho nên hiện nhà trường tiến hành ôn tập 4 môn thi vào lớp 10 theo hình thức online cho học sinh tất cả các buổi sáng với 3 tiết học/buổi”- vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Ông Đào Tuấn Đạt - người phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội cũng cho rằng, trường đã cho học sinh thi được một nửa số môn và trường dự kiến hoàn thành việc kiểm tra học kỳ II ở các khối lớp trong ít ngày tới. Tuy nhiên, tình hình dịch có diễn biến phức tạp, do đó việc học đã được chuyển sang hình thức trực tuyến.

Ông Đạt cho rằng, đợt tạm nghỉ này không ảnh hưởng nhiều đến thời gian, kế hoạch dạy và học của nhà trường. Đến thời điểm này sẽ không có bài học mới mà chỉ là học sinh ôn tập thì việc học trực tuyến sẽ không ảnh hưởng gì.

“Nhà trường đã tiến hành cho học sinh kiểm tra học kì hết nửa số môn. Chỉ còn ba môn chính nữa chưa tiến hành được nên đành lùi lại”- ông Đạt cho biết.

Ông Đạt cho rằng, với các lớp cuối cấp như lớp 12, lớp 9 thực chất đã ôn xong hết kiến thức rồi. Nên việc học trực tuyến thời điểm này sẽ chỉ tập trung vào “luyện đề” cho học sinh.

Có nên tính đến việc thi trực tuyến?

Liên quan đến việc thi chuyển cấp, ông Đào Tuấn Đạt cho rằng với các lớp cuối cấp như lớp 12, lớp 9 thực chất đã ôn xong hết kiến thức rồi chỉ là vấn đề thi nữa thôi.

Ông Đạt nói, việc học trực tuyến thời điểm này vẫn cần thiết nhưng việc thi cuối kì thì phải chờ đợi, các trường chỉ còn cách hoãn thi. Nếu 1- 2 tuần học sinh có thể trở lại trường thì thi ngay, nếu kéo dài hơn thì phải chờ hướng dẫn của Bộ và Sở giáo dục.

“Tôi cho rằng, việc thi các môn vẫn thi trực tiếp sẽ tốt hơn. Tùy tình hình dịch bệnh để tính phương án tiếp. Nhưng theo tôi, các trường muốn sau đợt nghỉ này mà muốn thi ngay thì phải cho các học sinh làm đề cương và thi theo đề cương thì mới được”- vị lãnh đạo trường này nêu quan điểm.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa cho rằng, lịch thi của các khối thì đành lùi lại đến khi đảm bảo dịch thì thôi.

"Bài kiếm tra nào có thể làm kiểm tra trực tuyến thì có thể tiến hành luôn còn bài kiểm tra cuối kì thì theo tôi kiểm tra trực tiếp vẫn hơn”- thầy Cường nhận định.

Ông Cường cũng cho rằng, thời điểm này không thể chủ quan là có nên đẩy lùi lịch thi hay lùi thời điểm kết thúc năm học được.

“Thời điểm này ưu tiên phòng chống dịch Covid- 19 là cao nhất. Tôi tin rằng Sở giáo dục và Bộ giáo dục cũng như lãnh đạo thành phố sẽ có cách thức để đảm bảo quyền lợi tối đa cho người học cũng như sẽ có giải pháp trong thời điểm tiếp theo”- ông Cường lạc quan nói.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) - Nguyễn Xuân Thành cho hay, trong thời gian học sinh không đến trường để phòng, chống dịch COVID-19, việc học tại các địa phương không bị gián đoạn, các hoạt động dạy học trực tuyến vẫn được duy trì, do vậy thời gian kết thúc năm học chưa cần điều chỉnh. Vì vậy, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Đối với các kỳ thi chuyển cấp như thi vào lớp 10, việc quy định về hình thức thi, địa điểm, thời gian thi,… đều do các địa phương chủ động quyết định, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương mình.

"Hiện tại còn gần 1 tháng nữa là sẽ kết thúc năm học 2020-2021, hy vọng rằng dịch COVID-19 được khống chế để các kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch và đảm bảo an toàn" - ông Thành nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.