PGS.TS Trần Đình Tuấn – Phó trưởng Khoa Sư phạm Giáo dục – Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) cho biết: Điểm khác biệt căn bản giữa giáo dục đạo đức trong môi trường quân đội và các trường dân sự là giáo dục đạo đức gắn với rèn luyện kỷ luật.
Kỷ luật là sức mạnh của quân đội, chính việc rèn luyện kỷ luật tạo thành phẩm chất đạo đức. Tại các trường quân đội, học viên được quản lý 24/24 giờ bởi đội ngũ giáo viên trên lớp và bởi hệ học viên quản lý mọi sinh hoạt hàng ngày.
Bên cạnh đó, ngoài chuẩn mực đạo đức thông thường còn có chuẩn mực đạo đức quân đội, chuẩn mực đạo đức bộ đội Cụ Hồ. Nội dung này thể hiện cả trong quá trình học tập, đồng thời là nội dung sinh hoạt thường xuyên, trong mọi hoạt động của nhà trường.
Cũng phải nói đến khác biệt căn bản nữa, đó là sự quản lý, đánh giá thường xuyên và xử lý vi phạm cực kỳ nghiêm khắc, khẩn trương. Các hoạt động của học viên có riêng một đội ngũ cán bộ, một tổ chức quản lý.
Mọi vi phạm, đúng sai đều đưa ra nhắc nhở vào buổi giao ban cuối mỗi ngày. Kỷ luật nhẹ là khiển trách, cao hơn nữa là cảnh cáo, cao nhất là tước quân tịch gửi trả về địa phương.
“Nếu học viên vi phạm sẽ bị xử lý theo điều lệnh kỷ luật. Ví dụ, ở Học viện Chính trị, nếu trong giờ thi học viên giở sách, vở thì buổi sáng vi phạm, ngay buổi chiều phải khoác ba lô ra khỏi trường” - PGS.TS Trần Đình Tuấn cho biết.
Mặc dù không thể áp đặt cách giáo dục đạo đức trong môi trường quân sự, nhưng PGS.TS Trần Đình Tuấn cho rằng, có thể áp dụng cách quản lý con người chặt chẽ của quân đội cho các trường dân sự.
Theo đó, quản lý con người là quản lý các mối quan hệ của cá nhân, tránh các mối quan hệ không chính thức, ví dụ như quan hệ ảo trên mạng. Từ đó, kịp thời phát hiện các quan hệ không chính đáng, theo dõi, uốn nắn kịp thời.
“Một kinh nghiệm rất hữu ích từ môi trường quân đội là xử lý nghiêm minh, dù đó là cấp trên hay cấp dưới – vi phạm là xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, phải có sự phối kết hợp giữa nhà trường với gia đình và địa phương, cả các đơn vị kết nghĩa để kịp thời có hướng phù hợp nắm bắt tâm lý, giáo dục học sinh.” - PGS.TS Trần Đình Tuấn nhấn mạnh.
Theo Giáo dục thời đại