Ngày 8/5, Trường THCS Quyết Thắng (Hải Dương) thay vì thuê công nhân, đã cử nhóm học sinh lớp 9 chặt cây bị bật gốc sau mưa. Kết quả, cành cây vướng dây điện giật nam học sinh 15 tuổi, bị ngã rơi xuống đất. Sau thời gian điều trị ngắn ngủi, em đã tử vong khi chưa tròn 15 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho rằng, đây là sự việc đáng tiếc. Các cơ quan chức năng đang vào cuộc để xác định trách nhiệm của ai, đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó. Sự việc khiến nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của nhà trường bởi vì cắt tỉa cành cây không phải việc của học sinh.
Sự việc chưa lắng xuống, sáng ngày 26/5, tại Trường THCS Bạch Đằng (TP HCM) một cây phượng vĩ bật gốc đè trúng nhóm học sinh đang ngồi ăn sáng phía dưới. Xe cứu thương được điều động đến, 18 học sinh được đưa đi cấp cứu nhưng đau lòng hơn là 1 học sinh 12 tuổi đã tử vong ngay sau đó.
Trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng?
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, bất kỳ sự việc nào xảy ra trong nhà trường, trách nhiệm đầu tiên thuộc về hiệu trưởng. Thông thường, mỗi trường sẽ có một phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất. Người này có trách nhiệm rà soát mọi ngõ ngách trong trường học để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Ông Lâm cho rằng, dù cơ sở vật chất được giao cho phó hiệu trưởng phụ trách nhưng hiệu trưởng có trách nhiệm phải thường xuyên đi kiểm tra, thấy có nguy cơ cần nhắc nhở, chỉnh đốn ngay.
Đặc biệt, mùa mưa bão các trường phải thuê công ty cây xanh đến kiểm tra độ an toàn, tỉa cành, ngọn để đảm bảo an toàn cho học sinh. “Việc này không thể giao cho học sinh làm để dẫn đến tai nạn tử vong như trường học ở Hải Dương. Học sinh chỉ được giao những việc nhẹ nhàng như nhặt rác, kê lại bàn ghế…”, ông Lâm nói.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, trong sự việc học sinh tử vong khi leo lên chặt cây trách nhiệm đầu tiên thuộc về hiệu trưởng, giáo viên phụ trách.
“Trong trường học, có rất nhiều tình huống có thể dẫn đến tai nạn thương tích tuy nhiên, để xảy ra sự việc học sinh chặt tỉa cành cây bị điện giật tử vong chứng tỏ trách nhiệm của người quản lý có vấn đề”, ông Vinh nói.
Đáng lẽ, mùa mưa, các nhà trường phải rà soát các công trình, đặc biệt về đường điện, cây xanh. Khi có vấn đề, nhất thiết phải gọi thợ có kỹ thuật, bảo hiểm để xử lý. Hiện nay, đa số các trường đều có cây xanh, cây cổ thụ, các sự việc kể trên sẽ là bài học đắt giá cho các nhà trường trong việc quản lý.
Luật sư lên tiếng
Liên quan đến sự việc, Ths, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói học sinh tử vong do điện giật khi đi tỉa cây tại trường có tính chất nghiêm trọng nên cơ quan công an sẽ vào cuộc, xác minh làm rõ nguyên nhân để có kết luận cuối cùng, làm cơ sở để xem xét trách nhiệm pháp lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
“Trong quá trình xác minh, cơ quan công an sẽ làm rõ đường dây tải điện đó được thiết kế, lắp đặt như thế nào, ai có trách nhiệm trông nom, bảo quản. Trong trường hợp xác định có lỗi của người quản lý đối với việc quản lý, sử dụng nguồn điện gây hậu quả chết người thì có thể xử lý hình sự người có trách nhiệm về tội vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 Bộ Luật hình sự”, Luật sư Cường nói.
Cũng theo ông Cường, nếu đường dây điện bị đứt là do yếu tố khách quan, không có lỗi của nhà trường hay của cán bộ có thẩm quyền, việc học sinh tỉa cây không có sự phân công của nhà trường thì sẽ xác định đây chỉ là vụ tai nạn mà không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, vụ tai nạn xảy ra tại trường học nên nhà trường có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho gia đình học sinh theo quy định pháp luật. Thiệt hại bao gồm chi phí mai táng, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần và các chi phí khác phát sinh từ vụ việc này theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Còn sự việc để cây xanh mục gốc đổ đè gây thương tích, thậm chí tử vong học sinh ở TPHCM, theo quy định, Công ty quản lý cây xanh phải có trách nhiệm trong việc quản lý, chăm sóc cây. Khi để sự việc xảy ra, đơn vị này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị nạn.