Theo bà Thêu, Trường tiểu họ Chu Văn An mới thành lập được 2 năm, năm đầu tiên trường dùng nước uống của một đơn vị khác. Tuy nhiên đầu năm học này, nhà trường đổi sang dùng nước Việt Xưa vì đơn vị cung cấp nước cũ chưa có tên trong danh sách các đơn vị được cấp trên phê duyệt.
Theo bà Thêu, sau khi có kiến nghị về chất lượng nước, ngày 5/12 nhà trường phối hợp với Hội cha mẹ học sinh mang mẫu nước đi kiểm nghiệm ở Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Nước được mang đi kiểm nghiệm gồm mẫu ở một bình đang dùng dở và hai bình con nguyên niêm phong.
Ngày 15/12, Trung tâm kiểm soát bệnh tật trả kết quả thử nghiệm hai mẫu và cho kết luận: “Mẫu nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai về phương diện vi sinh vật”. Bởi trong mẫu nước lấy từ bình dùng dở có trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) với tỉ lệ 110 trong 250 ml nước. (Theo khoa học, Pseudomonas là loại trực khuẩn nguy hiểm, khi vào đường ruột có thể gây nhiễm trùng đường ruột hoặc tấn công các vết thương gây nhiễm trùng máu. Loại khuẩn này cũng có khả năng kháng thuốc cao.)
Bà Thêu cho rằng, phụ huynh bức xúc vì nhà trường thông báo sẽ dùng nước Lavie sau đó cho học sinh dùng nước Việt Xưa là không chính xác. Bởi trong thỏa thuận đầu năm học, nhà trường sẽ cho học sinh uống nước một trong các đơn vị được cơ quan chức năng thẩm định. Do đó, Việt Xưa cũng là một trong những đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và đưa vào trường học nhiều năm nay vì thế nhà trường mới lựa chọn.
Trả lời câu hỏi của PV về việc truy xuất nguồn gốc, bà Thêu cho rằng, nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung ứng căn cứ trên điều kiện đơn vị có đầy đủ giấy phép nên chưa từng đến tham quan quy trình sản xuất của nhà máy. Vì vậy, sau khi xảy ra sự cố, nhà trường đã lập tức cho ngưng sử dụng nước và đổi sang một loại khác.
Trường chưa chi hết tiền nước cho học sinh?
Được biết, Trường tiểu học Chu Văn An hiện có gần 3.000 học sinh. Năm ngoái, theo thỏa thuận mức đóng với phụ huynh, mỗi tháng học sinh đóng 12.000 đồng tiền nước/ em. Khi đó, nhà trường cho học sinh uống nước Lavie. Tuy nhiên, đầu năm học này, mức thỏa thuận với phụ huynh về tiền nước giảm xuống còn 10.000 đồng/ học sinh. Bà Thêu lý giải về việc hạ tiền nước xuống là do năm nay nhà trường chỉ tổ chức học 8 buổi/ tuần, tức học sinh chỉ học bán trú ở trường 4 ngày, ít hơn năm ngoái.
Cũng theo bà Thêu, một bình nước Việt Xưa cung ứng vào nhà trường có giá khoảng 39.000 đồng. Như vậy, với một phép tính đơn giản, hiện nhà trường có gần 3.000 học sinh, số tiền nước uống thu về mỗi tháng sẽ gần 30 triệu đồng. Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng trường uống 500 bình nước, mới chỉ chi hết khoảng 19,5 triệu đồng. Như vậy, số tiền học sinh đóng tiền nước uống mỗi tháng còn dư hơn 10 triệu đồng. Điều đáng nói, trong số 500 bình nước/ tháng mà công ty cung cấp đã bao gồm nước uống của toàn bộ giáo viên, học sinh.
Bà Thêu cũng chia sẻ thêm, chiều ngày 25/12, nhà trường đã có buổi làm việc với Đại diện cha mẹ học sinh. Phụ huynh cũng đã kiến nghị đổi loại nước khác và nhà trường cũng đã có biện pháp để xử lý. “Bản thân tôi và toàn bộ giáo viên, học sinh cũng sử dụng nước này nên khi sự cố xảy ra tôi rất trăn trở”, bà Thêu nói.
Nhà trường cũng đã làm việc với đơn vị cung cấp nước uống. “Phía công ty họ cũng chấp nhận kết quả kiểm nghiệm và phối hợp với nhà trường để giải quyết thực tế, không giải thích thêm về quy trình”, bà Thêu nói.