Học sinh đọc thơ theo ô vuông, tam giác: Xôn xao người khen, kẻ chê

Học sinh đọc thơ bằng cách chỉ vào những ô vuông, hình tròn gây “bão” mạng.
Học sinh đọc thơ bằng cách chỉ vào những ô vuông, hình tròn gây “bão” mạng.
TPO - Cộng đồng mạng đang tranh cãi về clip trẻ chỉ "đọc" được ô vuông, tam giác, hình tròn nhưng không đọc được chữ viết. Nhiều phụ huynh còn bức xúc cho rằng phương pháp học có vấn đề; thậm chí có người còn lên tiếng “xỉ vả”.
Cách dạy học sinh lớp 1 "đọc chữ ô vuông, tam giác, hình tròn" trong sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại dù đã được thực nghiệm ở một số trường cách đây mấy chục năm, nhưng những ngày nay bỗng nhiên xôn xao trên mạng xã hội. Nhiều đoạn clip ghi lại cảnh phụ huynh bực tức, lớn tiếng với con trẻ khi các bé chỉ vào hình để đọc vanh vách, nhưng khi hỏi tới chữ thì không biết.

Giới chuyên môn lên tiếng: Có mới mẻ lạ lẫm?

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết sách tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 chỉ là tài liệu thực nghiệm khoa học, được phép dạy trong một số trường tiểu học”- GS Thuyết nhấn mạnh.

PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, phương pháp dạy đọc của GS Hồ Ngọc Đại không chỉ khiến học trò khó tiếp nhận để phân biệt âm vị, âm tố hay là ngữ âm mà cô giáo cũng vất vả.

PGS Tình cho rằng còn có rất nhiều yếu tố khác so với phương pháp dạy đánh vần truyền thống.

"Phương pháp dạy đánh vần theo sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã được đưa vào thực nghiệm từ rất lâu. Tôi chưa đưa ra con số định lượng cụ thể nào về chất lượng, nhưng theo tôi, mục tiêu của việc dạy đánh vần đó là học trò phải nhận được mặt chữ và phải đọc được, sau đó là đọc, viết thành thạo.

Có nhiều cách để dạy một người biết đọc biết viết. Thực ra, ở nhà bố mẹ cũng có thể dạy con biết đọc, biết viết được. Có điều dạy bằng phương pháp thế nào, có đúng hay không mà thôi.

Mỗi cách dạy đều có ưu và nhược điểm riêng. Tuy nhiên, dù dạy cách nào cũng đều phải hướng đến mục đích để học trò đọc được, viết được" - PGS.TS Phạm Văn Tình nói.

Ông Tình phân tích: "Ở Nga người ta cũng phải đánh vần, ở Mỹ ngày xưa cũng dạy học chữ theo kiểu phân ra nguyên âm, phụ âm, cũng theo phương pháp của thầy Hồ Ngọc Đại, đi từ cụ thể đến khái quát, học từ âm vị, âm tiết, sau đó mới học phát âm.

Tuy nhiên, sau đó họ lại chuyển sang cách học theo phương pháp như phương pháp truyền thống như của ta hiện nay, đó là đọc từ trước, thuộc đã, đi từ khái quát đến cụ thể. Và bây giờ, Mỹ đã tận dụng, kết hợp cả hai phương pháp một cách hiệu quả nhất để học trò vừa phát âm được mà vẫn nhận diện được bảng chữ cái, chứ không loại trừ bất kỳ phương pháp nào".

Người trong cuộc nói gì?

Chị Hà Việt Anh, nguyên Thư ký tòa soạn tạp chí Mẹ và Bé, cũng là cựu học sinh của chương trình này nêu ý kiến: Nếu chương trình công nghệ giáo dục (CNGD) thực sự "có vấn đề", "xâm phạm quốc hồn quốc túy" "làm xáo trộn xã hội" "hủy hoại tiếng Việt, hủy hoại văn hóa dân tộc"  thì tại sao Bộ GD-ĐT không dẹp bỏ nó luôn từ 40 năm trước, khi nó xuất hiện tại Việt Nam, cớ sao phải đợi đến tận bây giờ?

“Đã có ít nhất 40 khóa học sinh của Trường Thực Nghiệm đã theo học phương pháp này và chúng tôi không hề gặp bất cứ vấn đề gì, cha mẹ chúng tôi cũng hoàn toàn hạnh phúc với việc học của chúng tôi, chúng tôi vẫn sử dụng tiếng Việt trong đời sống và công việc hằng ngày rất bình thường, hiệu quả”- chị Việt Anh nói.

Cũng theo chị Việt Anh,  cũng nhờ vào phương pháp giáo dục (triết lí giáo dục) của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và các cộng sự mà những lứa học sinh 40 năm vẫn mang tên "thực nghiệm" chúng tôi từ khi còn rất nhỏ đã biết tư duy logic, biết tập đi trên con đường của các nhà khoa, đã giúp tôi rất nhiều trong học tập và nghiên cứu ngôn ngữ.

Theo chia sẻ của GS. Lân Dũng, phương pháp dạy trên của GS. Hồ Ngọc Đại rất khoa học, đem lại nhiều lợi ích cho học sinh, có sự logic hợp lý về mặt sư phạm và tâm lý con người. Ở đây, học sinh học cách đọc âm, rồi đến chữ, rồi ghép vần, chứ không học đánh vần từng từ. "Thời kỳ Nguyễn Lân Hiếu đi học đã học như vậy và không gặp phải bất kỳ khó khăn gì trong quá trình học tập, gia đình không phải giúp đỡ gì. Đặc biệt, con đi học với tâm trạng rất vui vẻ, hạnh phúc, do vậy có thể dễ dàng đạt được nhiều thành tích cao hơn. Đặc biệt, phương pháp học kiểu của thầy Đại giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, tư duy logic, tìm thấy sự vui thích trong học tập", tạp chí Gia đình mới dẫn lời GS. Nguyễn Lân Dũng. Vị giáo sư cũng cho rằng, rất nhiều người học theo phương pháp này và nhiều người thành công.
Thầy giáo làm clip giúp nhiều người hiểu rõ hơn về cách phát âm "lạ"

Giữa những tranh cãi không ngừng trên mạng xã hội về cách đánh vần "lạ", thầy giáo Nguyễn Thành Nam - hiện là giảng viên của Học viện Kỹ thuật quân sự, đã đăng tải một đoạn clip ghi lại những chia sẻ của mình xung quanh vấn đề này...

Trong đoạn clip dài gần 30 phút của mình, thầy giáo Nguyễn Thành Nam đã chia làm 5 phần để người theo dõi dễ hiểu. Đó là: Sự ra đời của chữ Quốc ngữ; Sự khác nhau giữa chữ cái và âm; Cách đánh vấn (vấn đề đang tranh cãi vô cùng gay gắt giữa chương trình giảng dạy hiện hành và giảng dạy theo công nghệ giáo dục hiện đại); Biến hóa hình thái; Vấn đề: Những điểm còn hạn chế của chương trình giảng dạy theo công nghệ hiện đại.

Và ở phần cuối của đoạn clip, thầy giáo Nguyễn Thành Nam có chia sẻ ý kiến rằng mỗi cá nhân cần tìm hiểu kỹ các vấn đề, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học kỹ càng rồi cùng tranh luận một cách văn minh, thay vì những lời mạt sát, chửi bới khi không hiểu rõ vấn đề.



 

MỚI - NÓNG