Nhân viên bơm xăng luôn tay tại 1 trạm xăng. |
Ngày 12/10, nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhất là khu vực TP Biên Hòa vẫn đang trong tình trạng khan hiếm xăng dầu. Phần lớn nhiều cửa hàng vẫn đang tạm ngưng bán hàng để chờ nhập hàng.
Anh Nguyễn Văn Nam đi nhiều cây xăng mới mua được hơn 1 lít xăng |
Một số cửa hàng thuộc hệ thống petrolimex và Công ty xăng dầu Tín Nghĩa còn duy trì bán hàng thì luôn trong tình trạng quá tải người mua xăng.
Chen chúc mua xăng. |
Sau khi mở cửa bán hàng trở lại vào chiều ngày 11/10, Tại cửa hàng xăng dầu Tín Nghĩa khu vực ngã tư Tân Phong (TP Biên Hòa) tiếp tục đóng cửa treo bảng “tạm ngưng chờ nhập hàng”.
Trong dòng người chen chúc chờ đến lượt mua xăng ở cây xăng Tín Nghĩa, chị Nguyễn Thị Lý (nhà ở phường Trảng Dài) làm việc tại Công ty Pouchen Hóa An cho hay đã phải đi làm sớm hơn nửa giờ đồng hồ so với mọi ngày để đổ xăng.Tuy nhiên, chị đến cả 3 cây xăng tại phường Trảng Dài thì tất cả đều đóng cửa. Đến cây xăng Tân Phong, chị Lý đợi gần 30 phút vẫn chưa đến lượt.
Hết xăng, nhiều học sinh đến trường đành phải dắt bộ và trễ học.
Mua xăng trong đêm. |
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, tính đến chiều 11/10, trên địa bàn tỉnh đã có 125 cửa hàng thông báo hết xăng/dầu hoặc hết cả xăng và dầu (tăng 45 cửa hàng so với ngày hôm trước), trong đó có 16 cửa hàng báo hết xăng và dầu; 4 cửa hàng báo hết dầu còn xăng và 105 cửa hàng báo hết xăng còn dầu.
Sở Công thương Đồng Nai cho biết, từ ngày 5/10 đến nay tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối khan hiếm, bị gián đoạn hoặc không kịp cung ứng hàng, do đó, các thương nhân phân phối xăng dầu không đủ nguồn hàng cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Một học sinh phải dắt xe đến trường vì hết xăng. |
Bên cạnh đó, chiết khấu hoa hồng thấp cùng các chi phí mặt bằng, nhân công, vận chuyển… không được tính vào giá bán khiến doanh nghiệp thua lỗ; nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh treo bảng hết xăng, tạm ngưng chờ nhập hàng hoặc bán cầm chừng, khống chế số lượng bán cho mỗi xe.