Học làm ô-sin 'chính quy'

Học làm ô-sin 'chính quy'
TP - Ở TPHCM có những người ở nhà mặt tiền gần chục tỷ bạc cũng đi làm ô- sin. Gia chủ thời nay nhiều khi sợ và nhịn ô-sin. Nhưng cũng vì thế, muốn trở thành ô-sin chính quy, phải học tới nơi tới chốn.
Tường Vy, SV Trường Trung cấp Công nghiệp TPHCM trao đổi cùng gia chủ những việc cần làm theo hợp đồng
Tường Vy, SV Trường Trung cấp Công nghiệp TPHCM trao đổi cùng gia chủ những việc cần làm theo hợp đồng.

Đỏ mắt tìm ô-sin

Dạo quanh các trung tâm môi giới người lao động, dễ dàng nhận thấy nhu cầu tuyển dụng người giúp việc nhà của người dân thành phố rất lớn.

Ở Sài Gòn bây giờ, ô-sin không còn là từ để chỉ những người nghèo đi làm thuê, ở đợ nữa. Mức lương trung bình của ô- sin hiện tại, khởi điểm trên ba triệu đồng.

Bà Phạm Thị Thu Nga (49 tuổi) ở quận Bình Tân, nói, ô- sin trong nhà bà đang được trả lương 4,7 triệu đồng/ tháng, nhiệm vụ là chăm em bé.

“Lương ô- sin cao gấp đôi lương con tôi hồi mới ra trường đi dạy cấp 2. Trả lương như vậy nhưng khó nhờ họ giúp việc gì khác ngoài chăm em. Thậm chí, ăn cơm xong, mình phải dọn dẹp, rửa chén bát, còn ô-sin ngồi xem ti vi cười ha hả. Nhiều khi thấy ô-sin còn hơn bà nội mình”, bà Nga nói vẻ ngao ngán.

Tuy nhiên, bà vẫn không thể đuổi việc ô-sin mà bà cho là kênh kiệu kia. “Nhà tui đi làm cả ngày. Ông bà già yếu ở nhà, con cái không thể bỏ mặc dù chỉ một giờ. Đuổi việc thì dễ nhưng kiếm lại người ngay lập tức khó lắm. Chưa kể ô- sin hiện tại chăm em rất tốt, con khóc ba mẹ bồng miết, dỗ thế nào cũng chẳng nín. Đưa qua tay ô- sin là im re, ngủ ngon lành”, bà Nga nói.

Mặc dù đã đi nhiều nơi, rao tuyển tìm người chăm em bé, nhưng bà vẫn chưa gặp được ai vừa ý. Cực chẳng đã, bà Nga lại phải đi tìm thêm một ô- sin làm việc nhà.

“Lương 3 triệu đồng/tháng, làm theo giờ thì 20 ngàn/giờ. Thế nhưng đi cả ngày cũng chưa tìm được người", bà Nga than vãn.

Bà Bùi Thị Hương (44 tuổi, nhà ở trung tâm quận 1, TPHCM) cũng nói, đang đỏ mắt tìm người giúp việc nhà cho bà và gia đình  em gái. Tiêu chuẩn: tuổi từ 18-25, người miền Tây, có học thức, ngoại hình dễ nhìn, trả lương cao với điều kiện là sinh viên hoặc nhân viên văn phòng.

Sau gần nửa tháng rao tuyển, bà mới tìm được người vừa ý. Chị Lê Phạm Tường Vy (20 tuổi, nhà ở TPHCM, nhưng nguyên quán ở Đồng Tháp, sinh viên trường trung học Công nghiệp TPHCM) đồng ý làm việc theo giờ cho gia đình bà Hương, với điều kiện chị Vy tự lên lịch giờ làm việc.

“Tìm ô-sin không khó, nhưng tìm được người biết làm việc, hợp với chủ, ở lâu dài mới nan giải. Hiện nay, tiêu chuẩn tuyển lựa của gia chủ rất cao. Ô- sin không chỉ làm việc đơn thuần mà đôi khi còn thể hiện bộ mặt của gia chủ. Nhiều người sẵn sàng trả lương cả chục triệu đồng/tháng, thưởng thêm tháng 13, mua tặng áo quần hàng hiệu để tuyển ô-sin chân dài, có học thức, khéo léo trong giao tiếp”, chị Vy, nhân viên một trung tâm môi giới lao động, tiết lộ.

Kỹ nghệ đào tạo ô-sin

Chính vì tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường, người lao động cũng phải học đến nơi đến chốn mới mong có cửa làm ô-sin.

Quản lý một trung tâm đào tạo kỹ năng người lao động cho biết, trước kia, ô-sin có tâm lý giúp việc nhà chỉ là những công việc đơn giản, không cần học. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn ô-sin đều đăng ký tham gia các khóa đào tạo kỹ năng với mong muốn nhận lương cao.

Đi xin làm ô-sin cũng cần bằng cấp các loại
Đi xin làm ô-sin cũng cần bằng cấp các loại.

Ở phương Tây, live-in caregiver là từ để chỉ loại hình lao động hành nghề chăm sóc tại gia. Người làm công việc này được đánh giá cao hơn người giúp việc nhà đơn thuần, vì phải có kỹ năng chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, bệnh nhân…

Bà Nguyễn Thị Phụng (37 tuổi, quê Phú Yên) nói: “Ngày trước, tui làm ô- sin chăm sóc một ông cụ hơn 80 tuổi. Vì không phải ba mình nên nhiều lúc cũng lóng ngóng, bất cẩn, nên bị đuổi. Đi xin việc ở nhiều nơi, họ đòi xem chứng nhận đào tạo kỹ năng mà tui không có. Bởi vậy, tui mới nộp tiền đi học. Giờ làm ô-sin người ta cũng đòi bằng cấp nữa đó”.

Hiện nay, nhiều trung tâm đào tạo ô-sin được đánh giá cao như Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng (quận 9), đào tạo sơ cấp nghề chăm sóc gia đình dành cho cả nam và nữ, thời gian học khoảng 3-6 tháng, Trường Trung cấp nghề du lịch Khôi Việt (quận Phú Nhuận) dạy các kỹ năng về sơ cấp cứu, sắp xếp lịch làm việc… trong 2 - 5 tuần…

Cty TNHH Dịch vụ Nhân Ái (quận 8) chuyên đào tạo chăm sóc người bệnh, người cao tuổi...

Ông Huỳnh Nhân, Giám đốc Cty, cho biết, sau sáu buổi học, học viên sẽ qua kỳ sát hạch, nếu đạt yêu cầu mới được giới thiệu việc. Mức lương tối thiểu đối với người mới làm là 3,3 triệu đồng/tháng, bao ăn ở.

Tuy nhiên, các lò đào tạo ô-sin khuyến cáo, mặc dù đã kiểm tra rất kỹ, nhưng vẫn không tránh khỏi những kẻ có ý đồ xấu, sắp xếp kế hoạch từ trước. Vì vậy, gia chủ khi đưa ô-sin về nhà cần đăng ký tạm trú tạm vắng ngay, báo cáo đầy đủ với cơ quan quản lý, phòng khi sự việc xấu xảy ra.

Nhiều công ty môi giới lao động nay phải tìm về địa phương để xác minh nhân thân người lao động rồi thử việc 6 tháng mới ký hợp đồng. Điều này cũng cho thấy, nghề ô-sin ngày càng chính quy hơn.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết, nhu cầu giúp việc nhà tại thành phố nay đang có xu hướng tăng nhanh, thường xuyên là 9.000 – 10.000 người/năm.

“Nghề giúp việc nhà đã xuất hiện tại các đô thị lớn như TPHCM từ rất lâu nhưng nó vẫn chưa được xem như một công việc mưu sinh thực sự. Yêu cầu tìm người giúp việc nhà của người dân TPHCM hầu như có quanh năm, nhiều nhất là thời điểm sau Tết, có khi tìm đỏ mắt cũng không có người”, ông Tuấn nói.

Bà Giang Chi Hà (50 tuổi), từng công tác tại trường mầm non hơn 20 năm, có một căn nhà mặt đường ở quận 3, giá cả chục tỷ đồng. Vì cha bị tai biến, bà phải nghỉ việc ở trường mầm non để ở nhà phụ việc gia đình.

Gặp bà ở trung tâm môi giới việc làm, bà hồ hởi khoe đủ thứ bằng cấp: chứng nhận đào tạo kỹ năng giúp việc nhà, chứng chỉ tiếng Anh bằng B, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non… Ngày trước, bà Hà làm ô-sin cho một gia đình người Ấn Độ.

“Họ kỳ lắm, toàn ăn bốc không à!” – “Gia đình người ta ăn bốc thì chị ăn kiểu gì?” – “Trời, người ta có cho mình ăn chung đâu. Toàn phải mua cơm hộp hoặc ăn ngoài đường. Người ta chỉ cho tui một cái ly để uống nước. Hồi mới đến, tui xếp giày dép gia chủ lên kệ sạch sẽ cẩn thận, rồi mới để dép tui ở ngăn dưới cùng. Họ la, không cho tui để dép trong kệ của họ, phải để ngoài. Có lần tui mắc cái mũ vào giá treo thì họ cầm mang ra đặt ngoài bếp”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG