Học làm cha mẹ

Học làm cha mẹ
TP - Cha mẹ quan niệm cố gắng cho con đầy đủ về vật chất nhưng với giới trẻ, yếu tố tinh thần, tâm lý quan trọng hơn. TS Tâm lý Nguyễn Kim Quý (Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam - ảnh) trao đổi với Tiền Phong. Bà Quý nói:

> Cô đơn trong chính nhà mình

Đó là vấn đề giữa 2 thế hệ về quan điểm, lối sống khác nhau nên khó hoà nhập. Nhiều cha mẹ thường áp đặt kiểu dạy dỗ đe nẹt, lên lớp, dễ dẫn đến khoảng cách giữa họ với con cái ngày càng xa. Người lớn tuổi hay so sánh ngày xưa mình thế này, thế kia; tại sao giờ bố mẹ tạo mọi điều kiện đầy đủ cho con cái thì chúng lại học hành không giỏi giang, không được như mong muốn. Tâm lý của giới trẻ không muốn bị lôi ra so sánh.

Giới trẻ hiện nay năng động, sáng tạo, tự tin hơn nhưng vì chưa có kinh nghiệm, chưa có bộ lọc tốt nên nhiều giá trị, quan niệm mới, trong đó không ít thông tin tiêu cực từ internet, các diễn đàn mạng ảnh hưởng đến giới trẻ.

Mặt khác, trước đây chủ yếu dạy trẻ về trách nhiệm và nghĩa vụ nhưng nay thiên về quyền nên trẻ xem nhẹ trách nhiệm, nghĩa vụ; đòi hỏi cha mẹ nhiều hơn. Trong lúc chưa thấu hiểu nhau, bố mẹ đánh mắng; con né tránh, tâm sự với người ngoài lại càng tăng thêm khoảng cách.

Điều kiện cuộc sống ngày càng hiện đại có chi phối gì đến sự cô đơn của nhiều bạn trẻ, thưa bà?

Trong khi cha mẹ quan niệm cho con đầy đủ về vật chất là xong nên họ lao vào làm kinh tế mà ít dành thời gian cho con, yếu tố tinh thần bị sao nhãng. Nhưng với giới trẻ, yếu tố tinh thần, tâm lý quan trọng hơn nhiều. Ngày trước các gia đình có không gian chung nhiều hơn nên mọi sinh hoạt như ăn uống, chuyện trò cùng nhau nhưng nay phần lớn các gia đình trang bị cho mỗi người phòng riêng, không gian chung hẹp dần dẫn đến sự xa cách. Ý thức được hậu quả này, nhiều gia đình học theo các nước phát triển, dành nhiều không gian chung, phòng riêng hẹp lại, chỉ là nơi ngủ để cải thiện hiện tượng xa cách giữa các thành viên.

Thực tế nhu cầu học làm cha mẹ hiện nay ra sao, thưa bà?

Đây là nhu cầu bức xúc của rất nhiều phụ huynh. Hiện nay phần lớn phụ huynh nuôi dạy con một cách tự nhiên kiểu cha truyền, ngày trước bố mẹ dạy mình sao thì nay dạy con như vậy. Nếu dạy con thời nay theo kiểu thử sai thì rất nguy hiểm. Chỉ đến khi con hư, có sự lệch pha dẫn đến mâu thuẫn không thể cải thiện được giữa cha mẹ với con cái thì phụ huynh mới cuống lên tìm đến chuyên gia tâm lý gỡ rối.

Hiện có một số doanh nghiệp tư nhân tổ chức các khoá học làm cha mẹ. Nhưng cần có cơ quan nhà nước chính thức quản lý, thẩm định nội dung, chất lượng đào tạo với chương trình chung thống nhất; đồng thời phải có đội ngũ chuyên gia tâm sinh lý được đào tạo, có kinh nghiệm, uy tín, tránh tình trạng trăm hoa đua nở. Từ kinh nghiệm các nước, các bạn trẻ phải trải qua khoá học làm cha mẹ, khi có chứng chỉ ấy mới được phép kết hôn.

Khi chưa có các giải pháp đồng bộ đó, cha mẹ cần làm gì để hiểu, gần gũi con cái hơn?

Trước kia chỉ nói chuyện trực tiếp với nhau; nay bố mẹ trò chuyện với con qua điện thoại, nhắn tin, chát qua YM. Không ít cha mẹ hoá thân thành những người ảo, làm member (thành viên) của các diễn đàn con tham gia hoặc friend trên blog của con... để đọc và hiểu con mình. Bố mẹ phải cập nhật các phương tiện giao tiếp hiện đại qua mạng internet.

Mâu thuẫn giữa 2 thế hệ rất khó hoá giải một sớm một chiều trong khi 2 bên không chủ động xích lại gần nhau. Bố mẹ phải chủ động đặt địa vị mình vào con để lắng nghe, hiểu mong muốn, nhu cầu của con, dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ. Về phía con cần gần gũi, chủ động tâm sự những khó khăn, bối rối với bố mẹ thì dễ dàng xoá khoảng cách.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG