Học giả, hàng giả ảnh hưởng niềm tin của xã hội

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị.
TP - Chiều 26/7, phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm (Ban Chỉ đạo 138) và chống gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu (Ban Chỉ đạo 389), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng tình trạng “cái gì cũng giả”, từ hàng hóa, buôn bán cho đến học hành không chỉ ảnh hưởng trật tự xã hội mà còn liên quan đến an ninh quốc gia, ảnh hưởng niềm tin của xã hội, cần phải có biện pháp xử lý.

Cái gì cũng giả, không dám tin ai

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389, trong 6 tháng qua, tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng tiêu dùng diễn ra nhiều nơi. Ðáng chú ý, nổi lên tình trạng sản xuất, tiêu thụ thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ ăn, nước uống giả, kém chất lượng, như vụ Công ty TSC tại Hà Nội, vụ Công ty Vinaca tại Hải Phòng...

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cảnh báo tình trạng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tay cho các đối tượng nước ngoài mang hàng giả vào Việt Nam. Các đối tượng đặt hàng phía Trung Quốc sản xuất bóng đèn, phích nước, quần áo... nhưng lại dán mác Việt Nam, hướng dẫn sử dụng cũng đều ghi tiếng Việt để trà trộn với hàng trong nước. Ngoài ra, còn có tình trạng “bắt tay” giữa một số đối tượng trong nước và nước ngoài làm giả hàng xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang Mỹ, EU. Ví dụ, nhôm xuất xứ Việt Nam chỉ bị thuế 15%, nhưng nếu xuất xứ Trung Quốc thì phải chịu mức thuế đến 374%. Do đó, một số đối tượng đã lợi dụng việc này, gây ảnh hưởng uy tín và thương hiệu của hàng Việt Nam.

Ðể ngăn chặn tình trạng này, ông Cẩn kiến nghị cần thực hiện cách thức công khai doanh nghiệp để người tiêu dùng biết. “Nhiều doanh nghiệp nói rằng, nếu Tổng cục Hải quan công khai việc doanh nghiệp sử dụng hàng giả thì sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm thật khác của họ. Do đó, họ tìm cách để ngăn việc công khai. Nhưng với tình hình hiện nay, chúng ta không nên né mà cần công khai, minh bạch để người dân biết rõ được việc làm ăn gian dối của các doanh nghiệp”, ông Cẩn nói.

Cho rằng tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu không chỉ ảnh hưởng trật tự xã hội mà còn vấn đề an ninh quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh: “Vấn đề này ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với chế độ, gây mất trật tự khi cái gì cũng thấy giả”. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, tình trạng “cái gì cũng giả” khiến không biết đâu là ranh giới chuẩn mực của xã hội, không dám tin ai cả. “Hàng hóa giả, buôn bán giả, học hành giả, chứng chỉ giả thì đây là vấn đề ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội”, ông Tô Lâm cảnh báo.

Có tình trạng “bảo kê” cho vi phạm

Ðề cập tình hình tội phạm, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, tín dụng đen, cho vay nặng lãi đang là mầm mống tội phạm rất phức tạp. “Tất cả cơ sở tín dụng đen đều gắn với thế chấp tài sản, “như cướp ngày”. Ðặc biệt ở nông thôn, từ tín dụng đen nảy sinh nhiều vấn đề như trộm cắp, cướp của, giết người… Do đó không thể coi thường được”, ông nói. Ông Tô Lâm cho biết, riêng tháng World Cup 2018, hoạt động cá độ diễn ra ở nhiều địa phương, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ cá độ bóng đá. “Số tiền cá độ bóng đá lớn tới hàng nghìn tỷ đồng, tập trung ở các thành phố. Công an phá 405 vụ với hơn 2.000 đối tượng, thu hàng nghìn tỷ đồng tiền mặt, chưa kể tiền trên mạng chưa thu hồi được. Cá độ kéo theo nảy sinh trộm cắp, cướp của, giết người rất phức tạp”, ông nói.

Báo cáo thêm với hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, tội phạm sử dụng công nghệ cao xảy ra nhiều với các thủ đoạn như: làm quen qua mạng, tạo lòng tin rồi lừa đảo; sử dụng cuộc gọi trên Internet giả danh các cơ quan pháp luật gọi điện đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt. Ðáng báo động là tình trạng lắp đặt thiết bị tại các máy ATM để trộm cắp thông tin, làm thẻ giả để rút tiền, gây thiệt hại nghiêm trọng. Các đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng Internet diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc với nhiều chủng loại như: dược phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc lá, rượu… được bày bán công khai, đặc biệt là có nhiều mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. “Có nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận như: vụ sản xuất, kinh doanh thuốc hỗ trợ điều trị ung thư bằng bột than tre Vinaca tại Hải Phòng, vụ cà phê, tiêu trộn pin, bột đá ở Tây Nguyên… Cần phải có biện pháp ngăn chặn”, Phó Thủ tướng nói.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Phó Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, một bộ phận cán bộ, công chức thuộc các lực lượng chức năng thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, thậm chí “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật. “Nếu trên địa bàn để xảy ra các điểm nóng nghiêm trọng về tội phạm, tội phạm có tổ chức, cán bộ, công chức dưới quyền “bảo kê” cho tội phạm, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài nhưng các lực lượng chức năng tại địa phương không chủ động phát hiện, xử lý thì phải phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị khi phát hiện cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, không có quyết tâm cao trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì phải kịp thời điều chuyển, bố trí công tác khác, nhất là đối với người đứng đầu.    

“Nhiều doanh nghiệp nói rằng, nếu Tổng cục Hải quan công khai việc doanh nghiệp sử dụng hàng giả thì sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm thật khác của họ. Do đó, họ tìm cách để ngăn việc công khai. Nhưng với tình hình hiện nay, chúng ta không nên né mà cần công khai, minh bạch để người dân biết rõ được việc làm ăn gian dối của các doanh nghiệp”.

          Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn

MỚI - NÓNG