Hoàng Sa, Trường Sa - 'Cảm hứng chủ quyền'

Hoàng Sa, Trường Sa - 'Cảm hứng chủ quyền'
TP - Trường Sa - nơi tôi đến, nơi những con tàu ngư dân khắp miệt biển Tổ quốc quần tụ về như từng “cột mốc sống”. Chẳng hiểu tự bao giờ Hoàng Sa, Trường Sa luôn là miền cảm hứng chủ quyền dạt dào trong tâm hồn, ngòi bút của những phóng viên Ban đại diện miền Trung như tôi.

> Dưới mái nhà 'Tiền Phong'
> Đảo Song Tử Tây: Cấp cứu ngư dân trong điều kiện phòng chống siêu bão Haiyan

Chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn đọc báo Tiền Phong. ẢNH: NGUYỄN HUY
Chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn đọc báo Tiền Phong. ẢNH: NGUYỄN HUY.

NHỮNG CHUYỆN CHƯA KỂ TRƯỜNG SA

Tôi may mắn được ngồi trên khoang tàu HQ571, con tàu thuộc loại hiện đại nhất của lực lượng Hải quân vừa hạ thủy đầu năm 2012 để ra với Trường Sa. Say sóng suốt 2 ngày đêm vượt biển nhưng vừa thấy những ụ xanh lờ mờ đảo Song Tử Tây trước mắt, mọi cảm giác mệt mỏi tan biến. Tôi để chân không đi trên những con đường bê tông phẳng lì. Từng hàng bàng vuông xanh rì bao quanh đảo, những chiếc quạt điện gió quay tít mù.

Lần đầu ra với Trường Sa, qua hơn chục điểm đảo chìm nổi, kéo một vệt dài từ mạn Bắc xuống phía Nam quần đảo, tôi háo hức nhìn, nghe mong “thu lượm” nhiều nhất từng chi tiết, sinh hoạt, thái độ, tâm tình tất cả cán bộ chiến sĩ, dân cư, đến từng vật nuôi quanh đảo chắc chắn phải mang một cái gì đó “đặc trưng” Trường Sa.

Thượng tá Vũ Văn Cường, Đảo trưởng, người đồng hương Nam Định, tiếp đoàn bằng sự thịnh tình và dành cho tôi những chia sẻ hiếm có. Hàng chục năm ngang dọc nhận nhiệm vụ Trường Sa tôi luyện anh thành mẫu người điển hình của cán bộ Hải quân: Cương nhu linh hoạt, rắn rỏi nhưng tình cảm. Điều lạ, mỗi lần vị đảo trường đi đâu, cả đoàn gần chục chú chó hồn nhiên vây quanh “tháp tùng”. Lễ chào cờ trên đảo trang nghiêm, linh thiêng khó tả.

Bãi sân lớn Song Tử Tây ít giây đã hàng ngũ chỉnh tề cán bộ chiến sĩ. Lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay, một cán bộ dõng dạc đọc vang lời thề hứa quyết xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, xứng đáng người chiến sĩ hải quân…

Đoàn do UBND TP Hà Nội tổ chức, gồm đông đảo cán bộ nhân viên sở ban ngành, đoàn thể, văn công, và cánh báo chí tác nghiệp. Đi đến đâu, chúng tôi được tiếp đón bằng sự ân tình, niềm nở.

Đất liền-Trường Sa không còn “quá xa”, khoảng cách địa lý thu hẹp bởi hệ thống phương tiện vận tải, hàng không ngày một hiện đại, nhưng tình cảm quân dân luôn chứa chan, nồng thắm.

Phóng viên Tiền Phong cùng đảo trưởng Song Tử Tây Vũ Văn Cường
Phóng viên Tiền Phong cùng đảo trưởng Song Tử Tây Vũ Văn Cường.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội - được các đảo gọi bằng cái tên trìu mến “gã đầu bạc” bởi bộ râu “hiền” và mái tóc bạc trắng khó lẫn.

Ngồi bên mé biển đảo Song Tử Tây, giữa thoai thoải cát, quanh hoa muống biển tím ngắt, ông kể vài câu chuyện vừa lượm được từ chiến sĩ. Nào là có anh yêu được bạn gái nhờ lá thư vô tình “lạc cánh”, có anh từ ngày lấy vợ, thời gian bên nhau chỉ tính bằng ngày…

Lần thứ 2, “gã đầu bạc” đến với Trường Sa nhưng nơi tuyến đầu Tổ quốc, ông vẫn luôn “nhập” vào cho mình từng tiếng chuông chùa thổn thức, cánh bàng vuông, đôi mắt những công dân nhí…

Bài thơ “Chuông chùa trên đảo” dành tặng cán bộ chiến sĩ, cả đoàn tối giao lưu trên đảo Sinh Tồn, tiếng chuông như thể tiếng lòng, vang vọng mọi người cùng hướng nhìn về miền biển đảo; cùng bài vè dài 10 ngày hành trình Trường Sa vui, dí dỏm, với biết bao kỷ niệm, ân tình quân dân cá nước. “Đến đâu ta cũng lòng ta/Thương người lính biển xa nhà nhớ quê”.

Còn nhớ Tiền Phong là tờ báo đầu tiên thực hiện dài kỳ “Những giọt máu nằm lại Trường Sa”, cận cảnh nỗi lòng gia đình những người mẹ, người cha có con nằm lại nơi chính biển đảo Cô Lin-Gạc Ma. Bài báo đạt giải Nhất báo chí Đà Nẵng năm 2011.

Chiều. Con tàu HQ751 nhè nhẹ neo giữa vùng biển Cô Lin-Gạc Ma. Lễ truy điệu xúc động, tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến 1988. Từng cánh hoa đăng nhẹ trôi giữa chân sóng. Nước mắt lăn dài hướng vọng anh linh.

Còn nhớ Tiền Phong là tờ báo đầu tiên thực hiện dài kỳ “Những giọt máu nằm lại Trường Sa”, cận cảnh nỗi lòng gia đình những người mẹ, người cha có con nằm lại nơi chính biển đảo Cô Lin-Gạc Ma. Bài báo đạt giải Nhất báo chí Đà Nẵng năm 2011.

Tôi đã đến gặp từng người mẹ già nua, người cha run run đôi tay thắp hương nơi di ảnh người con lính hải quân, đơn vị công binh 83, những người chỉ có “nấm mộ gió Trường Sa” tại Đà Nẵng, Quảng Nam, hy sinh trong trận Hải chiến can trường.

Thời khắc được đứng ngay trên chân sóng nơi các anh ngã xuống để bảo vệ từng mép nước chủ quyền, tôi thắp thêm nhiều nén hương, rải thêm cánh hoa đăng mong thay mặt gia đình gửi đến hương hồn chiến sĩ. Vẫn còn đó máu xương, linh hồn các anh hòa cùng biển trời, truyền lửa lớp lớp các thế hệ chung tay bảo vệ chủ quyền.

Tôi đã kể về Trường Sa qua: Phố biển Trường Sa, Những cánh thư nhà gửi Trường Sa, Gieo chữ ở Trường Sa; Mắt biển Trường Sa, Blouse trắng giữa Trường Sa; Điểm tựa ngư dân giữa Trường Sa trên Tiền Phong… Nhưng Trường Sa vẫn còn những chuyện chưa kể và chắc một điều có kể cũng chưa hết. Được đến với Trường Sa là vinh dự hiếm có của tôi cũng như bất kỳ ai trên hành trình về với tuyến đầu Tổ quốc.

THỔN THỨC HOÀNG SA

Xem nhiều tư liệu, hình ảnh, clip về Hoàng Sa của huyện đảo Hoàng Sa, thuộc UBND TP Đà Nẵng, nhưng có những tư liệu sinh động hơn, chân thực hơn từ chính lời kể “nhân chứng sống”, “cột mốc” Hoàng Sa. Trong vòng hơn 5 năm nay, tôi tìm gặp được hàng chục những sĩ quan, người lính của chế độ cũ để nghe kể, thuật lại công việc thường ngày mỗi đợt nhận nhiệm vụ Hoàng Sa.

Một nhân chứng, ông Phạm Khôi (72 tuổi, Đà Nẵng) - người tự vẽ bản đồ Hoàng Sa; nhân chứng Lê Văn Cúc (Đà Nẵng), người trực tiếp có mặt trên trận chiến với hải quân Trung Quốc năm 1974 ở Hoàng Sa…

Tiền Phong luôn đeo bám tạo vệt dài sự kiện về “Hành trình công lý” Hoàng Sa, Hoàng Sa tâm thế chủ quyền; các cuộc triển lãm quy mô lớn về chủ quyền Hoàng Sa, tư liệu lịch sử, những bằng chứng không thể chối cãi. Tôi may mắn tiếp cận, gặp trực tiếp nhà sưu tập Trần Thắng, Việt kiều Mỹ người dày công sưu tầm các tư liệu bản đồ atlat cổ, tạo chứng lý chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, để kịp thời chuyển tải thông tin đến đông đảo bạn đọc Tiền Phong.

Hoàng Sa vẫn cận kề, từng ngày, từng giờ trên từng chuyến biển của những ngư phủ khắp các làng chài miền Trung can trường bám biển, bảo vệ chủ quyền. Bao lần ngược xuôi đến với đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), các làng chài ven biển miền Trung để nghe chính “cột mốc sống” kể chuyện giữ ngư trường, giữ chủ quyền Hoàng Sa.

Chất giọng hào sảng, lời lẽ đanh thép của họ và những tình cảm của họ mang về từng kỉ vật Hoàng Sa là thứ chất liệu mà không tư liệu, hình ảnh, đoạn phim nào có thể diễn tả hết. Những bài viết: Ngư dân Việt không chùn bước; 500 ngư dân liên kết bám biển Hoàng Sa; Bám biển- Đoàn kết một lòng; Tranh chấp Biển Đông: Asean cần một tiếng nói chung… trên báo Tiền Phong tạo dấu ấn nhất định trong lòng bạn đọc.

Thổn thức cùng Hoàng Sa không chỉ riêng tôi mà rất nhiều cây bút miền Trung, nhưng Tiền Phong luôn chứng tỏ nét riêng, sâu đậm, cái nhìn đa chiều về những biến cố Biển Đông cả lịch sử, hiện tại và dự báo tương lai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG