Hoàng Rob: Nhạc thị trường dễ bị kỳ thị

Ban nhạc Gen9 do Hoàng sáng lập luôn được các nhãn hàng cao cấp mời diễn.
Ban nhạc Gen9 do Hoàng sáng lập luôn được các nhãn hàng cao cấp mời diễn.
TP - Học nhạc quá muộn rồi trở thành nghệ sĩ giải trí quá sớm. Không chạnh lòng khi sản phẩm âm nhạc violin đương đại của mình bị gọi là “nhạc thang máy”, Hoàng Rob thử lý giải thân phận của “nhạc thị trường”.

Vào lúc này khi danh hiệu “Nghệ sĩ mới của năm” Giải Cống hiến 2017 đã thuộc về bạn, bạn nghĩ mình chắc chắn là người chơi nhạc chuyên nghiệp chưa hay vẫn là “dân tay ngang”?

Ngay từ thời điểm bắt đầu đến với cây đàn violin tôi đã theo đuổi con đường sẽ trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, được làm những công việc nghệ thuật chuyên nghiệp. Điều đó khiến tôi cảm thấy tự tin với chính mình và đối tượng công chúng của mình. Một số người nhận xét tôi chỉ là “dân tay ngang” vì không được đào tạo bài bản với đầy đủ thời gian tại những ngôi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, tôi đã nghĩ điều đó không hề quan trọng cho tới khi tôi chứng minh được bằng sản phẩm, bằng những sân khấu mà tôi xuất hiện.

Dân trong nghề thích phân biệt rõ dòng nhạc “kén người nghe” và “thị trường” với hàm ý nhạc dễ dãi kiếm tiền nhanh hơn nhưng “nông cạn”. Bạn từng không được dân học nhạc bài bản ủng hộ nhưng vẫn “đắt sô”. Bạn tự lý giải trường hợp của mình đi!

Nhạc thị trường dễ bị kỳ thị. Phần lớn dân học nhạc bài bản không ưa tôi, nhất là những người chưa tiếp xúc. Trong thời gian tập luyện và biểu diễn live concert “Hừng Đông”, tôi có dịp tiếp xúc thêm rất nhiều người bạn chơi nhạc cụ cổ điển từ dàn nhạc Maius Philharmonic của anh Lưu Quang Minh. Có không dưới ba ý kiến bảo trước đây mình không thích bạn, không vì mâu thuẫn nào cả, mà vì suy nghĩ trái chiều có hệ thống giữa dân “học thuật” và dân “tay ngang tự học”.

Qua quá trình làm việc, chúng tôi có không ít những tranh luận khi tìm tòi, để rồi cùng thăng hoa trên sân khấu. Trường lớp mang đến những công thức, nhưng tự học cũng có những công thức riêng khi bạn có tâm hồn âm nhạc.

Nhãn hàng hay các bầu show họ không quan trọng bạn chơi nhạc kén người nghe, hay nhạc thị trường, mà quan tâm đến cá tính, vị trí, màu sắc âm nhạc bạn đã xây dựng để gắn liền với cái tên của bạn. Nếu chuyên môn tôi chưa tốt, tôi có thể tiếp tục tập luyện nhưng nếu tôi lười nhác không chịu cầu thị, không chịu quan sát hàng ngày để có tư duy sáng tạo trong nghệ thuật, đó mới là lúc sự tồn tại của tôi trong âm nhạc trở nên vô nghĩa.

Hoàng Rob: Nhạc thị trường dễ bị kỳ thị ảnh 1 Hoàng Rob-18 tuổi mới học violin, 25 tuổi nổi tiếng đắt sô trong showbiz, 26 tuổi nhận Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến.

Sản phẩm của mình bị gọi là “nhạc thang máy” có khiến bạn chạnh lòng?

Richard Clayderman, Bond, Vanessa Mae cũng từng gây nhiều tranh cãi vì chơi những thể loại nhạc đương đại chứ không phải hàn lâm, nhưng rồi họ vẫn trở thành những huyền thoại và sở hữu một lượng fan đông đảo với những album doanh thu khổng lồ. Tôi nghĩ điểm chung của họ là âm nhạc dễ chạm tới cảm xúc, tinh thần biểu diễn tươi mới hiện đại và nhất là sự miệt mài siêng năng hoạt động để công chúng nghe nhạc luôn cảm nhận được rất nhiều năng lượng từ họ. Có người bảo tồn và yêu mến giá trị của âm nhạc cổ điển, hàn lâm thì chắc chắn cũng sẽ có những người muốn phá vỡ những quy tắc và làm điều mới mẻ. “Nhạc thang máy” chạm được đến số đông thì cũng đáng tự hào mà.

Bạn định nghĩa thế nào là nhạc thị trường. Và yếu tố nào khiến nghệ sỹ thị trường thành công?

Yếu tố giúp ca sĩ dòng giải trí thành công là ngoài việc có ca khúc tốt, thì 50% còn lại ở chiến lược hình ảnh mà không khéo sẽ bị kết tội “chiêu trò”. Ca sĩ giải trí phải luôn nhạy bén với mọi vấn đề có thể gắn liền để họ xây dựng hình ảnh với đối tượng công chúng của mình. Ca sĩ Hồ Ngọc Hà sản xuất ngay các MV mà hình ảnh các nam chính luôn gắn liền với câu chuyện tình xảy ra với cô tại thời điểm đó. Cho ra mắt ca khúc “Gửi người yêu cũ” ở thời điểm chuyện của Hà với Cường đang ồn ào. Rồi Sơn Tùng M-TP khéo léo kết hợp các sản phẩm thời trang gây tranh cãi khi người ta tố anh “cosplay”, đạo nhái. Làm nghệ sĩ giải trí rất mệt và luôn đau đầu để tên tuổi, hình ảnh của mình được “nóng” và dành thiện cảm từ khán giả. Đa phần nghệ sĩ hoạt động Indie (độc lập) lâu muốn theo con đường chuyên nghiệp đều rất khó khăn, 10 người thì 9 người bỏ cuộc giữa chừng.

Có nhiều nhạc công tự ví mình là “thợ đàn” và công việc kéo đàn kẽo kẹt trong dàn nhạc tẻ nhạt, ít sáng tạo. Bạn nghĩ sao về so sánh đó?

Nói đi nói lại vẫn là câu chuyện sáng tạo, đàn cho xong bài, cho tròn vai thì là “thợ đàn”, hát chỉ tròn vành rõ chữ mà không truyền tải được cảm xúc, không có tư duy, phong thái thì là “thợ hát”. Nếu họ cứ như vậy thì cả sự nghiệp của họ giống như công việc của một công chức văn phòng bình thường chứ  không phải sự nghiệp nghệ thuật. Trở thành thợ hay nghệ sĩ là do tư duy, tôi nghĩ vậy.

Gần đây Bộ VHTTDL chủ trương đưa các tác phẩm kinh điển có giá trị nghệ thuật  vào Nhà hát Lớn tuy nhiên tình hình bán vé không khả quan lắm. Giả thử được hiến kế, bạn có sáng kiến gì để kéo khán giả đến thưởng thức các tác phẩm đó?

Việc quy hoạch nghệ thuật không phải câu chuyện quá khó, nhưng cũng không phải dễ để làm trong vài năm. Live concert “Hừng Đông” của tôi cũng được thực hiện trong thời gian Bộ VHTTDL đưa ra chủ trương trên, tôi cùng ekip  khá khó khăn trong việc thuyết phục Nhà hát Lớn Hà Nội đưa chương trình của một nghệ sĩ trẻ vào biểu diễn.

Âm nhạc, nghệ thuật vừa là sản phẩm thị trường đồng thời cũng là món ăn tinh thần, một phần tâm hồn của con người, vì vậy việc quy hoạch tôi nghĩ cần khéo léo theo từng giai đoạn. Ví dụ thời điểm hiện tại, khán giả chưa “thẩm” được những chương trình với các tác phẩm kinh điển để mua vé, thì các tác phẩm này nên tìm được đường hướng quảng bá trẻ trung, gần gũi hơn như thực hiện các buổi flashmob ở khu phố đi bộ (như dàn nhạc Maius hay Rhapsody Philharmonic đang làm), khuyến khích  giao thoa với nhạc điện tử trong các chương trình như Sing my song, The Remix… Những điều này đang được thực hiện nhưng quan trọng là theo quy hoạch tổng thể chứ không phải tự phát.

MỚI - NÓNG