Sau đó, ca- nhạc sỹ giải thích thêm: “Thử xem những ai ở Việt Nam viết tự truyện đáng để đọc? Truyện (…) có gì mà đọc hay là toàn kể lể rồi đi nói xấu người khác để tôn mình lên. Chọn tự truyện của những vĩ nhân thế giới để đọc, may ra còn học hỏi được nhiều điều chưa biết...”. Một nữ nhà văn nổi tiếng ở ta, rất thích thú với quan điểm của Duy Mạnh về tự truyện. Gạt bỏ yếu tố cực đoan, phát ngôn của Duy Mạnh không phải không có ý đúng. Chưa bao giờ thể loại tự truyện bung nở như thời điểm này trong giới giải trí. Đầu tiên, phải kể đến người “mở đường” Lê Vân với “Yêu và sống”. Sau đó hàng loạt các ngôi sao tung tự truyện: “Là tôi, Hà Anh”; “Bắt đầu từ một kết thúc” của Wanbi Tuấn Anh; “Bên kia bức tường” của Trần Lập; “Bí quyết nghề ca, scandal và sự thật” của Thanh Thảo; “Lột xác” của Lâm Khánh Chi; “Hồi ký Thương Tín- Một đời giông bão”… Đa phần tự truyện đều có tác dụng giúp người đọc giải trí, một số ít còn có khả năng kích thích người trẻ dám nghĩ, dám làm để “chạm tới giấc mơ” như Sơn Tùng M-TP. Song hàm lượng giá trị từ tự truyện của “sao” không cao, thường gây ồn ào bởi những chuyện ngoài lề: Thí dụ nhiều độc giả phải kêu lên, cuốn tự truyện của Thương Tín quá bậy bạ, “rác về đạo đức”...
Tuy vậy, tự truyện dán nhãn “sao” cực kỳ ăn khách. Tự truyện của Sơn Tùng M-TP đã tiêu thụ hơn 10 ngàn bản chỉ sau 2 ngày phát hành. Tự truyện của Hoàng Thùy Linh cũng được săn tìm. Mới nhất, tự truyện của Công Vinh dù gây tranh cãi cũng đã được tái bản ngay sau 2 tuần ra mắt… “Thấy bở đào mãi” là tâm lí thường thấy nên dù một hay mười Duy Mạnh “ném đá”, thể loại tự truyện vẫn cứ bừng bừng như “nấm sau mưa”.