Nhà Hoàng nằm sâu trên con đường làng chạy ngoằn ngoèo giữa quãng ruộng đang mùa thu hoạch. Căn nhà cấp 4 ba gian, nền đất, dựng bức vách, lợp mái ngói cũ kỹ, nhiều chỗ nứt dột, chẳng có gì giá trị ngoài chiếc xe máy cũ và chiếc xe đạp cà tàng ngày hai buổi Hoàng đạp đến trường.
18 tuổi, Hoàng trông chẳng khác cậu học trò cấp 2, nhỏ thó, lộ đường gân xanh trên đôi tay khô rộc.
“Thế còn đỡ hơn mấy năm trước rồi đấy chú ạ, nhà chẳng có gì ăn, cháu Hoàng bị suy dinh dưỡng từ nhỏ. Bây giờ mới gọi là có chút da chút thịt”, bà Lê Thị Lựu (40 tuổi), mẹ Hoàng, nói.
Hoàng chẳng nhớ từ bao giờ đã gắn với nghiệp chăn bò gia truyền, chỉ biết vừa lên cấp 2, cậu được bố mẹ giao cho 2 con bò, mỗi ngày rong ruổi dọc các cánh đồng làng. Có lúc, Hoàng dậy từ 4 giờ sáng cho kịp giờ bò ăn và cày ruộng.
Không ít lần, vì mải chăn bò, Hoàng đi lạc vài cây số chịu rét đói. Vào mùa thu hoạch, Hoàng tranh thủ chăn thả bò thật sớm rồi cùng mẹ đi gặt thuê.
Nhớ nhất với cậu học trò là kỳ nghỉ hè năm cuối cấp lớp 9, đúng vào vụ mùa gặt. Hoàng miệt mài cùng mẹ gặt thuê ngay đến ngày thi.
Lúc nghe tin đỗ cấp 3 vào Trường THPT Sào Nam (Duy Xuyên), cậu mừng rơn vì được chủ nhà trả công 300.000 đồng cho những ngày phụ gặt, có tiền mua sách vở cho năm học mới.
Khó khăn, vất vả nhưng bù lại, sức học của Hoàng ít ai đua kịp. Ngoài giờ học chính khóa, Hoàng phải dành thời gian chăn bò, làm thêm, nên việc học riêng chỉ bắt đầu từ 9 giờ tối.
Ông Lê Nhung, bố Hoàng, bảo: “Nhiều lúc thấy cháu thức 1-2 giờ đêm để ôn bài. Mọi người lo cho sức khỏe của Hoàng nhưng cháu tỏ ra rắn rỏi với việc học của mình”.
12 năm học, Hoàng liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, bằng khen xuất sắc môn Anh văn các năm học cấp 2, giải Ba môn Hóa học sinh giỏi cấp tỉnh (năm lớp 12).
Trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, Hoàng không có điều kiện học ôn như các bạn cùng lớp, nhưng đỗ thủ khoa ngành khối A ĐH Bách khoa TPHCM) với tổng điểm 27 và đạt 29 điểm vào Khoa Dược ĐH Y dược TPHCM.
Hoàng là người có số điểm cao nhất trong số thí sinh tỉnh Quảng Nam kỳ thi ĐH này. “Bí quyết của em là ở các môn học mình phải tập trung nắm vững lý thuyết ngay trên lớp, làm nhiều bài tập, tự học trên các sách tham khảo, trao đổi với thầy cô, bạn bè”, Hoàng chia sẻ.
Gần ngày nhập học, nỗi lo chi phí ăn học xa nhà của Hoàng như bao trùm gia đình nghèo nhất nhì khối phố Long Xuyên 2.
Mẹ Hoàng nói: “Còn hai con bò, gia đình bán đi cũng được hơn chục triệu đồng lo cho cháu nhập trường”.
Nhìn chặng đường dài 5-7 năm học của mình, tân thủ khoa không khỏi ái ngại: Chỉ sợ gia đình không kham nổi. Ngày Hoàng vào Quy Nhơn dự thi ĐH vừa rồi, mọi người bán thóc gạo, giờ bán bò sẽ càng khó làm thêm, khó tăng gia sản xuất.
Gia đình Hoàng chỉ có 3 sào ruộng cho 4 miệng ăn. Những ngày dầm dề mưa nắng cày cấy lúa thuê khiến mẹ Hoàng bị đau đầu kinh niên. Bố Hoàng ngoài việc đồng ruộng, đi phụ ép dầu tăng thu nhập.
“Tính ra thu nhập cả nhà được trên dưới 150.000 đồng/ngày, cháu Hoàng lại học ở thành phố xa hoa, không biết số tiền này có đủ”, bố Hoàng nói.
Hoàng dự định vay tiền quỹ hỗ trợ học sinh nghèo huyện Duy Xuyên, tìm việc làm thêm khi nhập học để phụ giúp gia đình trang trải kinh phí trước mắt.
“Em chọn ngành Dược để theo học, thời gian học dài và vất vả hơn, nhưng em mong học ngành này xong có thể giúp ích cho những bệnh nhân nghèo không tiền chạy chữa bệnh tật”, Hoàng tâm sự.