Giá trị kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng trên 5,9%
Trong bối cảnh dịch COVID-19 liên tục bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên với tinh thần đoàn kết, chủ động và thống nhất cao, 6 tháng đầu năm 2021, huyện Gia Lâm đã đạt được những kết quả ấn tượng, cụ thể: giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 5,98%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.364 tỷ đồng, bằng 54,5% dự toán thành phố giao; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Hoàn thành thêm 10 km đường giao thông đô thị, nâng tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị đạt 9,43 km/km2.
Trên lĩnh vực chính trị - xã hội, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn. Huyện đã tập trung quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chỉ đạo vận hành Khu cách ly y tế tập trung phòng chống dịch trên địa bàn đảm bảo an toàn theo đúng chỉ đạo của Thành phố, đến nay đã cách ly, đảm bảo an toàn cho trên 1000 công dân trên địa bàn thành phố.
Huyện Gia Lâm đang thực hiện mục tiêu kép: vừa tập trung phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả |
Phát triển đô thị và hoàn thiện hạ tầng để kết nối liên thông với giao thông thành phố là ưu tiên của Gia Lâm |
Với những kết quả nổi bật trong cả giai đoạn 2016-2020, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 62,5 triệu đồng/người/năm - tăng 29,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đều vượt cao so với dự toán thành phố giao, trung bình đạt 3.110 tỷ đồng/năm, vượt 187,3% so với kế hoạch
Công tác xây dựng nông thôn mới gắn với đầu tư xây dựng huyện thành quận được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đến nay, các xã đều đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Huyện đã triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và đưa vào sử dụng 299 dự án; tổng kinh phí đã giải ngân đạt 7.100 tỷ đồng. Tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung, đến nay, đầu tư đồng bộ hệ thống đường giao thông hạ tầng khung với cây xanh, thoát nước, chiếu sáng theo quy hoạch với tổng số 79,9km.
Hiện 100% đường tại các xã, thị trấn đều được nhựa hóa, cứng hóa, ... Văn hóa - xã hội với 100% thôn, làng có nhà văn hóa được đầu tư, cải tạo đồng bộ đạt chuẩn, 70/78 trường chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia lên 94,6%, huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí hiện hành.
Hai đột phá để trở thành quận năm 2023
Về các mục tiêu nhiệm vụ trong năm 2021 và các năm tiếp theo được Nghị quyết Đại hội và Đảng bộ huyện đặt ra, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND Lê Anh Quân cho rằng, để Gia Lâm trở thành quận vào năm 2023, huyện đã đưa định hướng phát triển rõ ràng. Cụ thể, huyện đã chọn ra hai nội dung trọng tâm và xác định là khâu đột phá để thực hiện. “Hai khâu đột phá này gồm: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp đáp ứng yêu cầu thành lập quận. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và bản lĩnh hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”, ông Quân nhấn mạnh.
Để cụ thể các nội dung này, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch huyện Gia Lâm cho hay, huyện tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp, phấn đấu đến hết năm 2023 huyện Gia Lâm đáp ứng tiêu chuẩn thành lập quận.
Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình số 13-CTr/HU của Huyện ủy về “Đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xã hội lành mạnh, tiến bộ huyện Gia Lâm giai đoạn 2020-2025” gắn với Chương trình của Thành ủy Hà Nội để tạo bước đột phá về đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Huyện dự kiến sẽ đầu tư 91,3km đường giao thông hạ tầng khung; cải tạo, nâng cấp 148,9km đường giao thông trục thôn, liên thôn đồng bộ hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh... hoàn thành tiêu chí mật độ giao thông đô thị trên 10 km/km2.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% các cụm công nghiệp, cụm sản xuất làng nghề tập trung có công trình xử lý nước thải đạt quy chuẩn; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 100%. Củng cố tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh; phấn đấu hàng năm có trên 98% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên, kết nạp trên 200 đảng viên/năm. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng khung chính quyền theo mô hình đô thị.
Với các nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm 2021, huyện thực hiện tốt năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ thành phố giao, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa tập trung phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, chú trọng công tác tiêm vắc-xin cho người dân; bên cạnh đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch vùng sản xuất. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, quản lý đô thị, xây dựng theo quy hoạch, gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường; đẩy nhanh tiến độ lập nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, lựa chọn 60 công trình tiêu biểu khởi công, hoàn thành, gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Gia Lâm (1961-2021).