> Giá vàng tăng 300.000 đồng/lượng
Câu chuyện bình ổn giá vàng vẫn khiến nhiều người lo lắng. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Trên thực tế cả SJC và 5 ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia bình ổn thị trường vàng vẫn đặt mức giá cao hơn từ 1,4 -1,6 triệu đồng/lượng khiến dư luận không khỏi bất bình.
Giá cao, giao dịch yếu
Bước sang ngày thứ ba giao dịch vàng trầm lắng, trao đổi với PV Tiền Phong, phụ trách chi nhánh một ngân hàng chuyên bán buôn vàng cho các doanh nghiệp cho biết; sức mua hai ngày nay rất thấp, gần như không đáng kể.
Theo vị này, nguyên nhân có thể do giá vàng thế giới đang đà tăng lại; trong khi mấy hôm trước, tranh thủ giá vàng xuống ngưỡng 43 triệu đồng/lượng, người dân đã mua vào nhiều.
“Khách mua chủ yếu là người dân rút tiết kiệm. Họ mua không phải để đầu cơ mà chỉ là hình thức chuyển đổi kênh dự trữ từ tiền đồng sang vàng”- Vị này chia sẻ.
Hỏi tại sao đã một tuần bán ra thay vì kéo giá xuống như kỳ vọng, giá vàng trong nước vẫn tăng, ông này phân tích: “Căn cứ để so sánh với giá thế giới đang được tính theo giá USD trên thị trường tự do, vì trên thực tế các DN kinh doanh vàng rất khó mua USD như giá ngân hàng niêm yết”.
Theo đó, thời gian qua, khi thực hiện mua bán vàng vật chất, cân đối trạng thái mua - bán nhiều lần, các doanh nghiệp phải chịu lỗ tới cả triệu đồng/lượng (bởi mua đuổi, bán đuổi, thậm chí không cân đối được lượng bán ra tới vài ngày hoặc cả tuần liền).
Giá vàng trong nước hôm qua (13-10) ngày thứ 3 đi lên liên tiếp theo xu hướng giá vàng thế giới. Lúc 11h giờ Việt Nam, vàng giao ngay có giá 1.679,8 USD/oz, tăng 4,3 USD/oz. Giá vàng bán lẻ trong nước cao hơn giá thế giới bình quân 1,9 triệu đồng/lượng (44,2 triệu).
Giao dịch vàng trầm lắng, giá vẫn không giảm. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Bình ổn hay kiếm lời?
Một chuyên gia kinh tế lưu ý: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi mở lại trạng thái kinh doanh vàng trên tài khoản cho 5 NHTM và SJC đã lưu ý nguyên tắc số 1 là phải cân đối ngay trạng thái mua vào - bán ra. Chưa kể, bản thân các DN và NHTM được chọn cũng đã chứng minh đủ năng lực tài chính cũng như cân đối được cơ bản nguồn ngoại tệ .
Đang có nhiều thắc mắc vì sao chỉ 5 NHTM (ACB, Eximbank, Sacombank, Techcombank, Dongabank) cùng SJC (đang gọi là nhóm G5+1) được chọn bình ổn thị trường vàng. Hiện cũng có thông tin, thêm 2 ngân hàng khác đề xuất xin được tham gia nhưng chưa có xác nhận từ NHNN. |
Việc NHNN sử dụng các NHTM có nguồn vàng sẵn từ huy động cũng như mở trở lại kênh vàng tài khoản được xem là “bài thuốc” cắt cơn sốt vàng dứt điểm và hiệu quả hơn giải pháp cấp quota nhập vàng.
Mong muốn của NHNN là; chỉ sau một thời gian khi 5 NHTM cùng SJC tham gia bán vàng, thị trường sẽ trở về bình ổn, kéo giá vàng trong nước xuống mức chênh từ 200- 400 ngàn đồng/lượng so với thế giới.
Như thế, chẳng có lý do gì để 5 NHTM nhất quyết vin lý do là bán vàng theo giá SJC niêm yết (chưa kể theo phản ánh của khách hàng, có ngân hàng đã niêm yết giá cao hơn SJC cùng thời điểm- PV). Trong khi SJC lại nhất mực phải tính theo tỷ giá tự do.
“Dư luận có thể đặt câu hỏi, phải chăng SJC và 5 NHTM này chưa làm tròn nhiệm vụ NHNN giao phó lại còn tranh thủ thị trường để kiếm lời”- một cựu giám đốc sàn vàng nhận xét.